Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:57:41 GMT+7

Tin đăng lúc 19-09-2019

Lượt xem: 5679

Làm thế nào để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu?

Đó không chỉ là câu hỏi lớn dành cho các nhà hoạch định chính sách mà còn là băn khoăn, trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Làm thế nào để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Lễ tôn vinh và khai mạc triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2019 tại Hà Nội

Mới đây, trong buổi Tọa đàm phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2019 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã chỉ ra một thực tế rằng: “Hầu hết các sản phẩm CNNT tiêu biểu hiện nay đều đang rất loay hoay trong việc tìm đầu ra. Mặc dù các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT đã bước đầu kết nối được với các siêu thị lớn trên cả nước, song quy mô sản xuất nhìn chung còn rất nhỏ lẻ, không có nhiều cơ sở đáp ứng được các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, số lượng sản phẩm… Vấn nạn hàng giả cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp CNNT. Sản phẩm mới của các doanh nghiệp vừa tung ra thị trường thì đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái hàng loạt. Doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi”.

 

Quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chỉ ở mức hộ gia đình, nguồn lực đầu tư cho công nghệ sản xuất hạn chế, sản phẩm làm ra với phương thức thủ công, hoặc bán thủ công, chất lượng không đồng đều, mẫu mã, bao bì không đủ sức hấp dẫn… là những hạn chế đã được bàn đến từ lâu nay về các sản phẩm CNNT. Chính những yếu tố này đã làm cho CNNT phát triển chậm, khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT “chậm lớn”, giảm sức cạnh tranh, khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Mặt khác, điều này cũng đang làm chậm đi tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 721, doanh nghiệp vừa được vinh danh trong Lễ trao giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2019, cho biết: “Sản xuất ra sản phẩm là không dễ dàng nhưng làm sao bán được sản phẩm lại càng khó hơn. Chúng tôi đã nỗ lực làm ra một sản phẩm tốt, kiểm định chất lượng bài bản ở nhiều khâu nhưng lại chịu rất nhiều áp lực ở khâu tiêu thụ. Giá thành sản xuất cũng bị đội lên do tiền thuê đất cao, sản phẩm lúa gạo lại phải chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng. Sản phẩm gạo 721 của chúng tôi cũng bị làm nhái, làm giả rất nhiều. Người tiêu dùng rất khó nhận diện được thật giả, vì thế mà giá trị thực của doanh nghiệp chúng tôi đang bị ảnh hưởng rất lớn”. 

 

Qua thực tế phản ánh từ doanh nghiệp, cơ sở, có thể thấy, các sản phẩm CNNT tiêu biểu đang yếu cả ở hai khâu quan trọng nhất là sản xuất và thị trường. Sản phẩm làm ra có chất lượng chưa đồng đều, trong khi công tác tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại lại còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tìm đầu ra cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu chính là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thời gian tới.

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ khai mạc tôn vinh và triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2019

 

Hiện tại, thông qua hàng loạt các chương trình như: Khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… Bộ Công Thương đang từng bước tháo gỡ những khó khăn này. Bộ đang tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm như hội nghị kết nối, đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, phát triển thương mại nông thôn…

 

Mới đây nhất, chuỗi sự kiện bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 được Bộ Công Thương triển khai, phát động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây có thể coi là cơ hội để tôn vinh các sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng.

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Trưởng Ban thường trực Kinh tế trung ương Cao Đức Phát trao giấy chứng nhận cho đại diện các đơn vị có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2019

 

Theo thông tin từ Hội đồng bình chọn cấp quốc gia (Bộ Công Thương), 110 sản phẩm nổi trội đã được bình chọn và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Đây hầu hết là những sản phẩm đã phát huy được lợi thế của địa phương, khu vực về nguyên vật liệu, lao động, kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Đồng thời, đó cũng là những sản phẩm đã áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng cao, ví dụ các sản phẩm: Gốm Chu Đậu; Nước mắm Phú Quốc; Cơ khí Nam Định; Dừa Bến Tre; Chè Thái Nguyên; Cà phê Gia Lai, hay thiết bị máy móc phục vụ sản xuất chế biến hạt điều Bình Phước…

 

Một số sản phẩm của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được trưng bày trong hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2019:

 

 

 

 

 

 

 

Để thúc đẩy mạnh hơn nữa cho sự phát triển của các cơ sở CNNT, bên cạnh việc tạo điều kiện về mặt chính sách, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan rất cần phải quan tâm, tuyên truyền sâu rộng hơn về những lợi ích của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để các cá nhân, đơn vị, cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu đăng ký tham gia bình chọn. Qua đó, các cơ sở này sẽ có thể tận dụng tối đa thế mạnh của các ngành nghề truyền thống, nguồn lao động cũng như ứng dụng khoa học công nghệ mới, sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tạo nên những thương hiệu đặc sắc của từng địa phương.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang