Thứ Bẩy, 20/04/2024 07:57:31 GMT+7

Tin đăng lúc 31-05-2014

Lượt xem: 5079

Làm thế nào để công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển?

Được ví như gót chân Achilles của công nghiệp Việt Nam, sự kém phát triển của công nghiệp hỗ trợ vẫn là điểm trừ trong thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (CNHT) đang có chút cải thiện, nhất là khu vực phía Nam
Làm thế nào để công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển?

Triển lãm thiết bị công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp

 

Phát biểu tại buổi khai mạc 4 cuộc triển lãm lớn phục vụ cho ngành CNHT được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu, Ông Hirokata Yasuzumi, Giám đốc Điều hành JETRO Thành phố chia sẻ, trong bối cảnh chiến lược Trung Quốc +1 và Thái Lan +1, thì Việt Nam vẫn thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản. Do lực lượng lao động khá ưu tú với chi phí thấp nên tiềm năng đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Tỷ lệ cung ứng nội địa của doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng, nhất là khu vực phía Nam, chiếm gần với tỷ lệ trung bình của Indonesia (20,4%) và Thái Lan (23,2%). Trong đó, tỷ lệ cung ứng nội địa từ công ty Việt Nam cho công ty Nhật Bản tại phía Nam là 16,8%, điều này cho thấy sự phát triển CNHT ở khu vực phía Nam đã có những phát triển nhanh chóng. Ông Hirokata Yasuzumi nhấn mạnh thêm, các công ty Việt Nam, nên khởi đầu bằng ngành CNHT và dần dần nâng cao công nghệ, điều này sẽ giúp cải thiện tỷ lệ nội địa hóa đang rất thấp hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản luôn mong chờ sự thay đổi này.

 

  Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Reed Tradex chia sẻ thêm về các quan điểm của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, dự kiến có hiệu lực vào năm 2015, theo đó, các điều khoản trong đạo luật này sẽ mở ra các thị trường mới và các kênh phân phối, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nội bộ các nước ASEAN tìm nguồn cung ứng hàng hóa và nguyên liệu thô. Vì vậy, nếu không sẵn sàng thúc đẩy phát triển các ngành CNHT của mình ngay bây giờ, Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình. Cụ thể hơn, Việt Nam cần tích cực trong việc củng cố các ngành CNHT, bởi khả năng duy trì cạnh tranh phụ thuộc vào điều này, các nhà sản xuất phụ tùng thay thế trong nước nên tập trung hơn vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các công ty nước ngoài tại Việt Nam và hướng tới tiếp cận rộng hơn với thị trường nước ngoài.

 

Ông Duangdej Yuaikwarmdee nhấn mạnh, phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn rất khó khăn vì nó vừa đòi hỏi công nghệ tiên tiến, lao động chất lượng cao, lại vừa có rủi ro lớn, bởi vậy chính sách cũng cần một lộ trình có tính khoa học, phù hợp với sự phát triển chung. Kinh nghiệm của các nước khi phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian đầu, vai trò của Chính phủ rất quan trọng, trước hết là việc hình thành các chính sách, các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế..., tiếp đến là các ưu đãi về tài chính, về đất đai hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, rồi chính sách khuyến khích thành lập các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý nhà nước dẫn dắt liên kết các DN làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ...

 

  Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã xác định phát triển công nghệ cao (CNC) cùng CNHT là những ngành then chốt để đạt được những mục tiêu về tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015, nâng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp lên 42% và ngành dịch vụ lên 57% GDP; gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40% GDP của thành phố vào năm 2015... Vì vậy, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng hỗ trợ công nghiệp CNC trên địa bàn.

 

Theo đó, khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Thành phố (quận 9), để sản xuất sản phẩm CNHT, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi cao nhất về thuế, giá thuê đất, hỗ trợ vốn vay, thủ tục một cửa, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin..., chẳng hạn với thuế, được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 0% trong bốn năm đầu, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% cho 2 năm nữa... Ngoài ra, Ban Quản lý Khu CNC sẽ hỗ trợ từ 10% đến 30% tổng chi phí đào tạo về kỹ thuật công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, an toàn lao động cho các dự án CNHT, CNC đầu tư vào đây.

 

Bên cạnh đó, Thành phố còn kết nối với Công ty Ðầu tư tài chính Nhà nước, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để hỗ trợ lãi suất vốn vay từ 50 - 100% lãi suất vay, cho các dự án CNHT, CNC với mức hỗ trợ vốn vay lên đến 70% tổng vốn đầu tư (mức vốn vay không vượt quá 100 tỷ đồng/dự án), thời gian hỗ trợ tối đa lên tới bảy năm. Đối với các dự án có mức vốn hỗ trợ lãi vay hơn 100 tỷ đồng hoặc thời gian hỗ trợ lãi vay hơn 7 năm, UBND Thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

  

Theo Quy hoạch Phát triển nhân lực Thành phố giai đoạn 2011 - 2020, trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp chủ lực như: cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm. Từ đó, Thành phố cũng đã có nhiều chính sách, ưu đãi như đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi và khoa học để có cơ hội phát huy năng lực cho người lao động kỹ thuật cao; tạo điều kiện an cư - lạc nghiệp trong thời gian làm việc các khu công nghệ cao của Thành phố; đồng thời đảm bảo chế độ lương, thu nhập phù hợp với trình độ, năng lực và khen thưởng theo cống hiến của từng cá nhân...

 

Tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, tổ chức JETRO cho hay, sau khi tiến hành khảo sát 1.874 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương nêu khó khăn gặp phải trong đầu tư, có 45,6% số doanh nghiệp phản ánh, khó khăn nhất với họ là vấn đề tìm kiếm nhà cung cấp, nguồn cung ứng linh kiện. Trong đó, riêng tại Việt Nam con số này chiếm 74,5%, như vậy, cứ bình quân 4 công ty của Nhật đầu tư tại Việt Nam thì có 3 đơn vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp linh phụ kiện. Trong số 158 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được khảo sát thì chỉ có 27,9% tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam, con số này quá thấp nếu so với Thái Lan là 52,2%, Indonessia 43% và Malaisia là 42,4%.

 

Tổ chức JETRO cũng cho biết, có tới 70% số doanh nghiệp Nhật mong muốn tìm được nhà cung cấp tại Việt Nam. Tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam rất quan trọng bởi nó sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thời gian cung ứng sản phẩm và nâng cao năng suất. Hiện nay các nhà cung ứng của Nhật Bản chiếm tới 55,3% và các doanh nghiệp Nhật mong muốn giảm tỷ lệ nhập khẩu linh kiện từ Nhật Bản. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam nhưng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm còn thấp, có doanh nghiệp chỉ mới nội địa khoảng 12%.

 

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chia sẻ thêm, để hỗ trợ vấn đề này, Nhật Bản ngay từ năm 1956 đã ban hành những đạo luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như Luật Chống trì hoãn thanh toán của nhà cung ứng với nhà thầu phụ để giải quyết vấn đề chậm thanh toán tiền cho các DN cung cấp linh kiện. Phải có luật thì công nghiệp hỗ trợ mới phát triển được.

 

   Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp ngành điện - điện tử phát triển

 

Một thực tế khác, quá trình hình thành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản hoàn toàn do hệ thống doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chính phủ chỉ có những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát huy năng lực. Nhật Bản đã phát triển theo chiến lược 100% thay thế nhập khẩu, không dùng đầu tư nước ngoài mà chỉ mua công nghệ nước ngoài. Bản thân các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đều có sự nỗ lực và năng lực làm việc rất cao. Những công nghệ mua về, họ có thể đồng hoá, biến thành của họ với chất lượng mới hơn. Đây chính là sự khác biệt để tạo ra sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản.

  

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), nếu hình dung toàn bộ quy trình sản xuất như một quả núi thì ngành CNHT được ví như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi chính là ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghiệp hoặc tiêu dùng. Thông thường ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trước, làm cơ sở để ngành công nghiệp chính yếu như ô tô, xe máy, điện tử, dệt may, da giày, viễn thông,... phát triển.

 

Nếu không có CNHT thì công nghiệp lắp ráp sẽ không thể tồn tại. CNHT được bao quát là những ngành sử dụng tất cả các kĩ thuật gia công cơ bản (đúc, dập, gò, hàn, cắt, gọt…), nhằm chế tạo ra các linh kiện phục vụ lắp ráp. Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá đất nước. CNHT bao gồm hàng trăm ngàn bộ phận, linh kiện ở nhiều tầng lớp, từ những loại thông thường đơn giản đến những loại có công nghệ rất cao. Việt Nam rất có triển vọng cạnh tranh được trong lĩnh vực này, nhưng vì chính sách hỗ trợ CNHT còn yếu nên nước ta chưa trở thành một trong những nơi sản xuất chính tại châu Á, ông Thọ khẳng định.

 

  Nhìn thẳng vào định hình chiến lược CNHT của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn này cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có một nền CNHT đúng nghĩa, bởi vì cấu trúc kinh tế của Việt Nam là nền công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (trên 75% đầu vào). Đặc biệt trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa có một chính sách nhất quán về CNHT, nhất là còn có những quan điểm lệch lạc về lĩnh vực này, cần phải được "nắn lại". Nói rõ hơn, ngành CNHT Việt Nam đang cần một cuộc cách mạng mạnh mẽ, để cho ra đời một chính sách cụ thể, nhằm hỗ trợ thiết thực cho CNHT phát triển bền vững. Không nhất thiết ngành nào cũng làm CNHT, mà chúng ta phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia, không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu. Cần nhận thức đúng về CNHT, đó không phải là một ngành công nghiệp riêng mà phụ thuộc vào sản phẩm cuối cùng của từng ngành công nghiệp.

 

     Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, những sản phẩm hỗ trợ thường được sản xuất và cung cấp chủ yếu từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lại là nơi thu hút phần lớn lao động làm việc. Do vậy, phát triển doanh nghiệp hỗ trợ sẽ đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề cấp bách hiện nay, đó là giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trước thực trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay, để phát triển được lực lượng này, bên cạnh những hỗ trợ về tài chính, cần đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ về công nghệ để họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được những thiết bị mới.

 

 Ngoài ra, phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, đây là nhân tố quan trọng cho việc nâng cao trình độ sản xuất. Nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao cần được hiểu bao gồm cả những người có khả năng quản lý và cải tiến toàn bộ quy trình sản xuất của một nhà máy, cả những người có thể thiết kế, sản xuất và điều chỉnh những sản phẩm đến độ hoàn hảo, cả những người có năng lực tự lắp ráp toàn bộ sản phẩm một cách hoàn chỉnh.

                                                                                                   Hồng Lực

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang