Thứ Năm, 25/04/2024 17:03:57 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2021

Lượt xem: 735

Lạm phát thấp nhưng chưa thể chủ quan

Mặc dù CPI 9 tháng qua tăng thấp và dự báo cả năm 2021 cũng sẽ tăng thấp nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa thể chủ quan thỏa mãn, bởi vẫn có những yếu tố tác động đến lạm phát vào cuối năm, nhất là đầu năm tới.
Lạm phát thấp nhưng chưa thể chủ quan
Mặc dù giãn cách xã hội kéo dài, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm ổn định.

Lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%

 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2021 của Việt Nam tăng 1,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

 

Mặc dù giãn cách xã hội kéo dài, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm ổn định. Trong 9 tháng năm nay, giá thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm, trong đó, giá thịt lợn giảm 7,22%; giá thịt gà giảm 0,98%. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, nên giá vé máy bay 9 tháng năm nay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%...

 

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

 

“Bình quân 9 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung đã phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và giá gas tăng”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

 

CPI tăng thấp được xem là điều kiện thuận lợi và dư địa cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay, bởi mức lạm phát trung bình của 9 tháng vẫn ở mức thấp (thấp hơn 2% - tức chưa bằng 50% giới hạn cho phép), tạo ra tình huống thuận lợi cho công tác điều hành. Trong khi đó, sức mua toàn xã hội khó có thể tăng mạnh bởi khả năng thanh toán chưa thể hồi phục như giai đoạn trước khi dịch xảy ra.

 

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%. Do ảnh hưởng của COVID-19 và giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị dứt gãy nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng sự tăng giá này chỉ ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại một số địa phương.

 

“Khi hết dịch, giá sẽ giảm trở lại. Về tổng thể, COVID-19  khiến thu nhập của người dân sụt giảm, nhu cầu yếu nên giá cả chưa tăng mạnh. Đối với một số nguyên vật liệu, giá có thể tăng mạnh nhưng tỉ trọng của các mặt hàng này trong rổ hàng hóa CPI không lớn. Chẳng hạn giá thép tăng mạnh, nhưng nó chỉ là một phần trong nhóm hàng hóa "nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng", nhưng cả nhóm này chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 20% trong rổ tiền tệ”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

 

Không thể chủ quan, thỏa mãn

 

Mặc dù CPI 9 tháng qua tăng thấp và dự báo cả năm 2021 cũng sẽ tăng thấp, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa thể chủ quan thỏa mãn, bởi vẫn có những yếu tố tác động đến lạm phát vào cuối năm, nhất là đầu năm tới.

 

TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhìn lại số liệu thống kê, CPI tăng rất thấp, bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng năm 2020. Tuy nhiên, nhìn vào chỉ số giá khác như Deflator (chỉ số giá phản ánh tất cả các loại mặt hàng trong nền kinh tế, không chỉ riêng giá tiêu dùng), trong 9 tháng qua trung bình tăng 23%, gấp 10 lần so với chỉ số CPI. Trong khi đó, thông thường hai chỉ số này sẽ biến động cùng nhau.

 

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, sức ép lạm phát không hề nhỏ như con số CPI phản ánh. Lý do chủ yếu do sức cầu yếu trong Quý 3, do phong tỏa, người tiêu dùng không mua sắm được; hàng hóa của doanh nghiệp bị đứt gãy, không tới tay người tiêu dùng nên giá cả không được phản ánh đầy đủ trong CPI.

 

“Khi nền kinh tế mở cửa, cầu tăng trở lại, sức ép lạm phát sẽ rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tiền tệ hiện nay. Lãi suất tiền gửi thấp, nhu cầu vay vốn sản xuất gần như không có, các ngân hàng cũng khó huy động vốn. Nguồn tiền đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản rất lớn. Bong bóng tài sản đã xảy ra rồi, giá cả nhà đất tăng gấp 2, gấp 3 trong năm qua. Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ rất hẹp”, TS. Phạm Thế Anh lo ngại.

 

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, chi phí sản xuất trong giai đoạn tới cũng sẽ tăng rất mạnh, nhưng chi phí sản xuất phản ánh vào giá thành sản phẩm sẽ có độ trễ nhất định. Hiện nay, giá cả bắt đầu tăng nhưng sức mua không nhiều. Vì vậy, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ.

 

“Việc thực hiện chính sách tiền tệ cần thích ứng hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%. Đi kèm đó là các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải, không quá chặt chẽ nhưng cũng không được quá thả lỏng. Bởi hiện nay mức hấp thụ của nền kinh tế không cao, các điều chỉnh có thể sẽ phản ánh vào giá cả. Khi giá cả bùng lên, việc kiểm soát sẽ gây rất nhiều ‘đau đớn’”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị./.

 

Theo Vov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang