Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:43:11 GMT+7

Tin đăng lúc 02-12-2021

Lượt xem: 951

Làm gì khi bị sốc phản vệ sau tiêm vaccine?

Các phản ứng phụ của tiêm vaccine, làm gì khi bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine?
Làm gì khi bị sốc phản vệ sau tiêm vaccine?

Tiêm vaccine là tiêm một kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật hoặc tái tổ hợp hoặc tổng hợp bằng kỹ thuật sinh học phân tử để khi vào cơ thể, vaccine kích động đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể bằng cách sản xuất kháng thể hoặc phát triển các tế bào miễn dịch, các kháng thể và tế bào miễn dịch sẽ chống lại tác nhân gây bệnh thật sự khi xâm nhập vào cơ thể.

 

Không riêng gì bệnh COVID-19, mà nhiều loại vaccine đã và đang được sử dụng dự phòng hiệu quả nhiều bệnh ở trẻ em và người lớn do các virus và vi khuẩn gây bệnh như sởi, bại liệt, quai bị, rubella, viêm gan B, viêm não Nhật Bản B, ho gà, uốn ván, bạch hầu, lao. Vì vậy, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, tiêm vaccine là biện pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.

 

Tuy nhiên, vì là một chất lạ (kháng nguyên) đưa vào cơ thể người, chắc chắn có phản ứng để sinh ra đáp ứng miễn dịch. Cho nên có khi các phản ứng của cơ thể với sự xâm nhập của của một chất lạ quá mạnh, nên có khi ở một số rất ít cá thể, do cơ thể phản ứng quá mạnh, gây ra một số phản ứng phụ, nặng nhất có thể gây sốc phản vệ, nếu không xử trí đúng và kịp thời có thể gây tử vong.

 

Điều này đã xảy ra cả trên người lớn và trẻ em khi tiêm các loại vaccine khác nhau, không riêng gì vaccine COVID-19. Cũng như các loại vaccine khác, vaccine ngừa COVID-19 cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ do tiêm vaccine có thể xảy ra ở mức độ tại chỗ hoặc toàn thân, có thể là:

 

Phản ứng thông thường sau tiêm chủng: Gồm các phản ứng tại chỗ như ngứa, sưng, đau hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân gồm sốt, khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Các phản ứng thông thường này nhẹ nên có thể tự khỏi trong thời gian ngắn, có thể chỉ trong 24 - 48 giờ sau khi tiêm. Các phản ứng này có thể gặp trên 70% số người được tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào.

 

Tai biến nặng sau tiêm chủng: Là phản ứng bất thường sau tiêm chủng, có thể đe dọa tới tính mạng người được tiêm chủng. Các triệu chứng gồm khó thở, sốc phản vệ hoặc sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, tím tái, khó thở, ngừng thở, để lại di chứng hoặc gây tử vong.

 

Tai biến nặng này có thể gặp với tỉ lệ 1/1.000.000 mũi tiêm, một tỉ lệ vô cùng nhỏ. Điển hình là sốc phản vệ có thể xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như kích thích, vật vã, mẩn ngứa, nổi mày đay, ban đỏ, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được, khó thở, nghẹt thở, đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ, đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, choáng váng, giãy giụa, co giật.

 

Trường hợp này cần dừng ngay việc tiêm vaccine, tiến hành cấp cứu xử trí sốc phản vệ sau tiêm chủng theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.

 

Một phản ứng quá mẫn cấp tính cũng có thể xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một hoặc nhiều triệu chứng như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản, phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.

 

Để xử trí, nên cho bệnh nhân dùng thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng của cơ thể. Trường hợp phản ứng nặng cần cho người bệnh thở oxy và xử trí tương tự sốc phản vệ.

 

Vì vậy, người được tiêm chủng phải được theo dõi 30 phút tại nơi tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.

 

Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm: Toàn trạng; tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở; nhiệt độ, phát ban; các biểu hiện tại chỗ tiêm (đau, sưng, đỏ,...). Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời và hiệu quả.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang