Thứ Năm, 25/04/2024 22:41:34 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2020

Lượt xem: 9144

Làm gì để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên?

Trong những năm gần đây, chất lượng đầu ra của các trường đại học được cả xã hội quan tâm. Vấn đề đặt ra là làm gì để đảm bảo, nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên.
Làm gì để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên?
Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực

Chất lượng đầu ra không chỉ là tấm Bằng cử nhân

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm  2019, cả nước có trên 135 nghìn người có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm. Bộ GD&ĐT đã chỉ ra: Kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp; công tác dự báo chưa được thực hiện bài bản trên quy mô rộng nên đào tạo còn vênh ở mức độ nhất định so với nhu cầu thị trường lao động; chưa đáp ứng tốt sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề... Ngành Giáo dục đã đề ra lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, nhằm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục đào tạo mà xã hội quan tâm.

 

Bên cạnh đó, một thực trạng mà nhiều chuyên gia giáo dục và cộng đồng đặc biệt quan tâm đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong những năm gần đây. Nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra nhằm giải bài toán đầu ra cho sinh viên. Cơ bản, câu chuyện chất lượng đầu ra của sinh viên nhận được sự quan tâm của cả ba bên: Gia đình, nhà trường và doanh nghiệp. Gia đình và bản thân sinh viên mong muốn học xong ra trường cò việc làm phù hợp; Doanh nghiệp mong muốn có nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu làm việc; Trường đại học đào tạo sinh viên chất lượng, ra trường được các cơ quan doanh nghiệp tiếp nhận để tạo uy tín, thương hiệu, tạo hiệu ứng đầu vào cho công tác tuyển sinh.

 

 

Ngày hội việc làm tại Trường Đại học Điện lực

 

Câu hỏi đặt ra là: Chất lượng đầu ra của sinh viên có phải chỉ là tấm Bằng cử nhân? Bằng cử nhân là cơ sở ghi nhận, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên trong trường đại học. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, trong khi thực tế lại đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như: Kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, kỷ luật công việc, ngoại ngữ… Khách quan mà nói, để trang bị đầy đủ các kỹ năng nêu trên, vai trò đào tạo của trường đại học hết sức quan trong, nhưng đặt cả trên vai thì trường đại học không dễ gánh. Việc tu dưỡng, rèn luyện của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường có vai trò quan trọng không kém. Từ thực tiễn cho thấy, chất lượng đầu ra của các trường đại học không chỉ là các tấm Bằng cử nhân khá, giỏi, mà còn là việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường.

 

Giải pháp từ mô hình kết hợp với doanh nghiệp

 

Hiện nay trên cả nước có khoảng trên 200 trường đại học. Hầu hết các trường đều hoạt động theo cơ chế tự chủ. Nguồn thu chính từ học phí. Yêu cầu đặt ra là các trường phải có sinh viên để đào tạo (theo chỉ tiêu). Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh giữa các trường không nhỏ, đòi hỏi các trường phải có những giải pháp cụ thể để tuyển sinh hiệu quả.

 

Thực tế từ Trường Đại học Điện lực cho thấy, hàng năm, để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh (từ 3.000 – 3.500 sinh viên), Nhà trường đã phải áp dụng nhiều giải pháp như đổi mới giáo dục gắn liền với thực tế. Đặc biệt, ngoài việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên… Nhà trường còn tích cực hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên phát huy sáng tạo, nuôi dưỡng, thúc đẩy đam mê cho sinh viên.

 

 

Tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2019 tại Trường Đại học Điện lực

 

Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ: “Chất lượng đầu ra cho sinh viên là mối quan tâm hàng đầu của Nhà trường. Ngoài việc trau dồi kiến thức cho sinh viên, Nhà trường còn tạo môi trường tốt nhất để sinh viên có cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, với môi trường làm việc thực tiễn, định hướng nghề nghiệp để các em phát huy sở trường bản thân. Hàng năm, trường đều tổ chức khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và có việc làm phù hợp với chuyên ngành ở Top các trường hàng đầu trong nước (Năm 2019, trung bình, 93% sinh viên có việc làm, có những ngành lên tới 98%). Chúng tôi tập trung hướng đến đào tạo chất lượng bằng giải pháp kết hợp với doanh nghiệp, từ đó, tạo sức hút cho tuyển sinh đầu vào. Đây là giá trị cốt lõi không chỉ vì tương lai của sinh viên mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của Nhà trường”.

 

 

TS. Hoàng Công Dụng

 

Trao đổi với Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, TS. Hoàng Công Dụng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Chất lượng đào tạo của Trường Đại học Điện lực khá tốt, đã tạo được nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Số lượng sinh viên có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo khá cao (sinh viên tốt nghiệp năm 2018 đạt tỷ lệ khoảng 80%, năm 2019 là 81,2%). Đặc biệt là đối với các khối ngành kỹ thuật. Tỷ lệ sinh viên trong 12 tháng sau tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi năm 2018 đạt tới 97,8%, năm 2019 là 98%. Tương ứng với đó là tỷ lệ sinh viên chưa có việc làm là khá ấn tượng, phần lớn là do đang học nâng cao về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, học lên bậc sau đại học, hoặc đang đợi kết quả tuyển dụng từ các cơ quan, doanh nghiệp”.

 

Bà Vũ Thị Thu - Trưởng phòng tuyển dụng Công ty Samsung Việt Nam cho biết thêm: “Do nhận biết được tầm quan trọng nguồn nhân lực chất lượng cao đến từ chính các trường đại học tại Việt Nam nên ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy, chúng tôi đã tạo mối quan hệ hợp tác với các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Điện lực. Nội dung hợp tác của hai bên chủ yếu về lĩnh vực tuyển dụng và đào tạo. Các chuyên ngành đào tạo của Đại học Điện lực rất đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, bắt nhịp xu thế phát triển của xã hội và khá phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Công ty Samsung. Hàng năm, Samsung Việt Nam tổ chức 2 đợt tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, hàng trăm sinh viên Đại học Điện lực đã được tuyển dụng thành công. Hiện nay, một số sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Điện lực đang nắm giữ các vị trí, chức vụ quan trọng trong Công ty. Chúng tôi đánh giá cao kiến thức chuyên môn, tư duy logic và thái độ cầu thị của sinh viên Điện lực. Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm cũng là những điểm sinh viên cần khắc phục để có thể hòa nhập và trưởng thành nhanh hơn trong môi trường công nghiệp”.

 

 

FSI đồng hành với sinh viên  Đại học Điện lực Hà Nội trong cuộc thi Thử thách đổi mới và giảng dạy theo giáo trình của Facebook

 

Ông Cao Hoàng Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư & PTCN FSI chia sẻ: “Công ty chúng tôi và Trường Đại học Điện lực hợp tác từ năm 2018 với nhiều nội dung như: Hợp tác đào tạo, thực tập kiến tập cho sinh viên khoa CNTT của Trường; Các chương trình hướng nghiệp cho sinh viên CNTT do Trường và các đơn vị khác tổ chức; Hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm CNTT; Các cuộc thi cho sinh viên CNTT, ví dụ: Cuộc thi thử thách lập trình do Facebook chủ trình. FSI và EPU đồng tài trợ và đặt đầu bài hướng dẫn các sinh viên tham gia tranh tài. Qua quá trình hợp tác, chúng tôi nhận thấy, chất lượng sinh viên Đại học Điện lực đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu của FSI. Việc hợp tác này mang lại giá trị cho cả hai bên. Trong đó, đối với FSI, chúng tôi có được nguồn nhân lực kế cận đảm bảo chất lượng đã đặt ra, có tính gắn bó cao và kỷ luật tốt. Từ đây, FSI có cơ hội tiếp cận và chiêu mộ các nhân lực phù hợp với Công ty”.

 

Có thể thấy, đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với nhu cầu nhà tuyển dụng là giải pháp thiết thực giúp các trường nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên. Khi ra trường, ngoài tấm Bằng cứ nhân, sinh viên còn cần phải được trang bị nhiều kỹ năng phù hợp với các nhà tuyển dụng. Để thực hiện được điều đó, cần có sự đào tạo chuyên nghiệp, đa kỹ năng, sát thực tế của các trường, cùng với đó là tinh thần học tập vì ngày mai lập nghiệp của sinh viên.

 

Ngọc Minh 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang