Thứ Năm, 25/04/2024 06:47:41 GMT+7

Tin đăng lúc 03-12-2020

Lượt xem: 930

Làm gì để bảo vệ uy tín hàng hóa “Made in Vietnam”?

Trong thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) để hưởng lợi miễn phí, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và đánh lừa người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Vậy làm sao để bảo vệ uy tín hàng hóa “Made in Vietnam” thực sự?
Làm gì để bảo vệ uy tín hàng hóa “Made in Vietnam”?

Doanh nghiệp Việt ở đâu trong các sản phẩm “Made in Vietnam”?

 

Hiện nay, trên nhiều sản phẩm từ quần áo cho đến điện thoại, thậm chí cả những chiếc ô tô ghi “Made in Vietnam”, nhưng thực sự thì bao nhiêu phần trăm trong các sản phẩm đó là do các doanh nghiệp (DN) Việt làm ra?

 

Theo Bộ Công Thương, một chiếc ô tô dưới 9 chỗ ngồi “Made in Vietnam” bình quân chỉ có khoảng 10% thực sự do Việt Nam sản xuất gồm: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy và một số chi tiết nhựa. Còn những cấu phần mang tính cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển hay hệ thống truyền động thì hầu như Việt Nam (VN) chưa thể làm. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa trung bình của các nước trong khu vực lên tới gần 70%, thậm chí tỷ lệ này ở Thái Lan là 80%.

 

Đối với ngành Dệt May, dù VN nổi tiếng về xuất khẩu quần áo nhưng nhiều DN chỉ đơn thuần nhập vải và phụ kiện của Trung Quốc rồi cắt, may và xuất đi châu Âu, chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp. Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Dệt May mới đạt khoảng 40-50%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Ngành vải may của VN hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu thị trường trong nước. 

 

Còn với ngành Điện tử, tỉ lệ nội địa hóa trong các ngành điện tử tin học, viễn thông chỉ đạt 15%; điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao thì chỉ đạt 5%. Nhiều đồ dùng như tivi, tủ lạnh, điều hòa hay điện thoại di động, đâu đó có mang nhãn “Made in Vietnam” thế nhưng thực tế các sản phẩm do DN Việt sản xuất chiếm một lượng rất khiêm tốn. Ví dụ, trong một chiếc điện thoại Samsung, 5 bộ phận cốt lõi nhất là chip, CPU, màn hình, camera và pin thì 100% linh kiện của 5 bộ phận này đều được nhập khẩu hoặc sản xuất tại các DN FDI, tức là các DN con của Samsung, điều này cho thấy, các DN Việt vẫn chưa có tên trong phần giá trị nhất của chiếc điện thoại Samsung được coi là “Made in Vietnam”.

 

Xây dựng quy định “Sản xuất tại VN” là một yêu cầu cấp thiết

 

Theo khảo sát của Nielsen, tại VN có đến 17% người tiêu dùng chỉ mua hàng nội địa và 59% đa phần mua hàng hóa có xuất xứ từ trong nước. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cũng hoài nghi bởi không ít sản phẩm chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại VN nhưng cũng gắn nhãn “Made in Vietnam”. Thậm chí nhiều hàng hóa ở bên kia biên giới nhưng lại được dán sẵn nhãn VN và đưa về VN tiêu thụ. Nguyên nhân của thực trạng này là do hiện nay VN chưa có một tiêu chí để xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam”.

 

 

 

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP trong đó yêu cầu các tổ chức, các nhân, tổ chức nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc đảm bảo trung thực, chính xác và tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà VN đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, với nguyên tắc tự quy định, tự chịu trách nhiệm về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng đã phát sinh một số bất cập. Đó là, nhiều DN gặp lúng túng và khó khăn trong xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước phục vụ mục đích ghi nhãn hàng hoá hoặc khi có yêu cầu kiểm tra, chứng minh xuất xứ hàng hóa của các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc thiếu vắng quy định về bộ tiêu chí để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá cũng gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc cũng như việc tuân thủ quy định của các thương nhân.

 

Trước những bất cập trên, để tránh những ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng hoá VN và những tác động không tốt đến xuất khẩu, Bộ Công Thương đang chuẩn bị trình lên Chính phủ Nghị định về "Sản xuất tại VN ", trong đó quy định cách xác định thế nào là sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại VN; tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu... Việc ban hành Nghị định này được cho là sẽ giúp lấp được khoảng trống và tạo cơ sở pháp lý vững chắc để cả cơ quan nhà nước, DN và người tiêu dùng đều có thể xác định được đâu là sản phẩm được sản xuất tại VN.

 

Theo bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, trên thực tế, việc cho ra đời Nghị định về hàng hóa “Made in Vietnam” không chỉ là một trong số các công cụ hiện nay VN đưa ra để giải quyết các vấn đề bị nước ngoài điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung, cũng như chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng, mà đây cũng là tuyên bố với các nước khác rằng, VN hoàn toàn nghiêm túc trong việc thực thi các quy định về vấn đề xuất xứ. Cùng với Nghị định về “Made in Vietnam”, cơ chế khai báo tự nguyện cùng chương trình truy xuất nguồn gốc sẽ cho ra một cơ sở dữ liệu đầy đủ để cung cấp cho các cơ quan hữu quan của nước ngoài nhằm chứng minh các hàng hóa xuất khẩu của VN.

 

Có thể nói, trong bối cảnh VN đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt đang tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng Việt ngày càng có uy tín và trở thành thương hiệu mang tính quốc gia, thì việc xây dựng quy định về hàng “sản xuất tại VN” trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nếu Nghị định mới về “sản xuất tại VN” ra đời sẽ giúp thiết lập cơ chế ngăn ngừa, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng ở mức cao nhất./.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang