Thứ Sáu, 29/03/2024 15:47:09 GMT+7

Tin đăng lúc 20-06-2019

Lượt xem: 1437

Kon Tum: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ mới

Xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đào tạo nghề, quảng bá sản phẩm… là những nội dung được chương trình khuyến công Kon Tum ưu tiên thực hiện thời gian qua.
Kon Tum: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ mới
Dây chuyền chế biến cà phê của Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà được hỗ trợ vốn từ chương trình khuyến công địa phương.

Con số thống kê từ Sở Công Thương cho thấy, từ năm 2014 đến nay đã có 33 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc tiên tiến phục vụ sản xuất và trình diễn các mô hình ứng dụng thiết bị hiện đại với nguồn kinh phí là hơn 5,4 tỷ đồng. Điều đó thực sự đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ có thêm cơ hội phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường.

 

Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Cô (huyện Đăk Hà) đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại vào chế biến cà phê. Sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đã có mặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của cả nước cũng như vươn ra thị trường thế giới.

 

Những cái tên khác có thể kể đến như Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Cao nguyên Kom Tum (huyện Đăk Glei) đã xây dựng dây chuyền thiết bị sản xuất chế biến cà phê quả tươi. Nhà máy chế biến đi vào hoạt động đã tạo ra hàng trăm việc làm cho lao động địa phương. Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn (huyện Kon Plông) được hỗ trợ 150 triệu đồng thời gian qua từ chương trình khuyến công, đã đầu tư thiết bị chế biến tinh dầu với hạt tiêu rừng cùng nhiều sản phẩm khác như cao sâm tổng hợp, rượu sâm đương quy. Những sản phẩm này đã được phân phối và có mặt tại nhiều hệ thống bán lẻ trong cả nước...

 

Sở Công Thương Kom Tum cũng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp có thế mạnh và tiềm lực lớn, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao như: chế biến nông sản, sản xuất gạch không nung, gia công cơ khí. Đồng thời, Sở cũng hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.

 

Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của chương trình khuyến công, các cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, tập trung đào tạo lao động, tạo ra những sản phẩm có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong 4 năm qua, nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mua sắm thiết bị mới là trên 60 tỷ đồng.

 

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho hay: “Công nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng lâu dài và bền vững. Đặc biệt, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin để các cơ sở, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng nắm bắt, chủ động tiếp cận chính sách đầu tư cũng được chú trọng”.

 

Theo đó, chương trình khuyến công địa phương đợt 1 năm 2019 sẽ hỗ trợ một phần vốn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty CP Thương mại nông nghiệp và dược liệu Ðồng Xanh Kon Tum được hỗ trợ mua máy móc thiết bị sản xuất chế biến curcuminoid từ nghệ củ. Công ty CP Kora Group được hỗ trợ mua thiết bị sản xuất thực phẩm tiêu dùng từ hồng đảng sâm. Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông được trang bị thiết bị công nghệ cao trong chế biến và bảo quản sản phẩm cây dược liệu…

 

Phương Lê


Tag:Kon Tum

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang