Thứ Năm, 28/03/2024 21:53:42 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2021

Lượt xem: 1215

Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19

Do tác động dịch Covid-19 lần thứ tư, 8 tháng năm 2021 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn chồng chất, có nguy cơ đứt gãy sản xuất do toàn TP Hồ Chí Minh tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trước 15/9 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân.

 

Nhiều chỉ số ngành công nghiệp giảm mạnh

 

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) toàn thành phố tháng 8 vừa qua ước tính giảm 22,4% so với tháng 7 năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 49,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 6,7%.

 

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8 ước tính tăng 11,4% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 644,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 76,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 65,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 53,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 25,3%; dệt tăng 16,2%.

 

Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 80,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 49,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân bổ vào đâu giảm 37,6%; sản xuất động cơ giảm 34,6%; sản xuất kim loại giảm 22,3%.

 

Tính chung, lũy kế 8 tháng năm 2021 đa số ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, sản xuất trang phục giảm 18,5%; sản xuất đồ uống giảm 17,0%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 6,9%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 6,7%.

 

Đáng chú ý, bốn ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, ngành cơ khí giảm 2,6%; ngành hóa dược giảm 5,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,7%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống giảm 8,7%.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 của ngành công nghiệp truyền thống cũng giảm 12,3%, trong đó ngành dệt giảm 6,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Nhiều lĩnh vực khác cũng bị tác động

 

Về đầu tư xây dựng, vốn từ ngân sách địa phương và Trung ương phân bổ về thành phố ước thực hiện 8 tháng là 13.267 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020, so với kế hoạch đạt 37,1%. Khối lượng thực hiện tháng 8 ước 567 tỷ đồng, so tháng 8 năm 2020 bằng 13,8%. Đây là tháng mà việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các dự án đang thi công cầm chừng.

 

Nguyên nhân chính là thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 16, rất ít dự án có đủ điều kiện “ba tại chỗ” được tiếp tục thi công. Ngoài ra, giá vật tư ngành xây dựng tăng, công tác đấu thầu, chọn thầu bị chậm trễ, một số nhà sản xuất bê tông tạm dừng hoạt động gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp nguyên liêu cho các công trình.

 

Các công trình trọng điểm cũng đang gặp khó khăn, đáng kể nhất là dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)… tạm ngưng thi công, hoặc thi công cầm chừng.

 

Cụ thể, Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chỉ thi công gói thầu nhà ga Bến Thành, do chủ thầu đáp ứng đủ điều kiện áp dụng Chỉ thị 16. Tính chung, khối lượng toàn tuyến đến nay đạt trên 88%. Theo dự kiến ban đầu dự án sẽ đưa vào vận hành kỹ thuật vào cuối năm nay, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đã chuyển sang giữa năm 2022.

 

Dự án cầu Thủ Thiêm 2, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vật tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc thi công chỉ diễn ra cầm chừng.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất gặp phải khó khăn khi tạm ngưng hoạt động, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư. Vì vậy, số lượng giấy phép và vốn đăng ký cấp mới của doanh nghiệp trong 15 ngày đầu tháng 8 năm 2021 đạt mức rất thấp, chỉ có 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký là 6.646 tỷ đồng, so với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm đến 85,5% và số vốn cũng giảm 95,4%.

 

Lũy kế từ ngày đầu năm đến ngày 15/8, thành phố đã cấp phép 21.762 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 365.200 tỷ đồng, số giấy phép giảm 15,9% và vốn giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 80.610 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn các chế độ cho người lao động theo quy định. Trong đó, đã có 80.863 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang