Thứ Sáu, 29/03/2024 13:29:35 GMT+7

Tin đăng lúc 25-11-2021

Lượt xem: 1401

Khuyến công Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất chè

Được coi là “cái nôi” của ngành Chè Việt Nam, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, cũng như nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm chè của địa phương đã chinh phục được thị trường. Có được kết quả đó cũng là nhờ một phần đóng góp của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Thái Nguyên (Khuyến công) khi đã đồng hành và hỗ trợ cùng các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến chè.
Khuyến công Thái Nguyên đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất chè
Thái Nguyên có vùng nguyên liệu chè lớn nhất cả nước

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích canh tác cây chè với hơn 22.500 ha. Từ năm 2010, toàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng thay thế những nương chè già cỗi, năng suất và chất lượng thấp bằng các giống chè mới cho năng suất tốt, chất lượng cao, nhằm phục vụ chế biến ra những sản phẩm chè xanh cao cấp, đặc sản. Đến nay, Thái Nguyên đã tạo dựng được cho mình một số thương hiệu mạnh về “chè Thái” thông qua chất lượng và độ an toàn thực phẩm cao như: Tân Cương, Đồng Hỷ, La Bằng... Tuy nhiên, dù đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, nhưng do bất cập trong khâu chế biến, bảo quản đã khiến cho các sản phẩm chè của một số cơ sở sản xuất chè trên địa bàn vẫn đang thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã lập kế hoạch hỗ trợ các cơ sở chế biến chè trên địa bàn cải tiến công nghệ, hoặc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó, Trung tâm đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè… về nguồn vốn để đầu tư hệ thống máy móc, cũng như tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về tính hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất chè nhằm giúp các cơ sở từng bước tiếp cận, chuyển đổi và ứng dụng thành công. Nổi bật, trong năm 2021 này, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho Hợp tác xã Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên; Hợp tác xã trà Sơn Dung; Hợp tác xã chè Thu Trung (tại tp. Thái Nguyên) và Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Đại Tiến (huyện Võ Nhai) để mua mới hệ thống máy móc hiện đại gồm: Máy xào gas; Máy đóng gói trà tự động; Tủ sấy hương; Máy dệt men chè; Máy đóng gói hút chân không…

 

So với phương pháp làm thủ công, các hệ thống máy móc này đều có nhiều tính năng vượt trội, trong đó, máy đóng gói hút chân không có thể đóng gói được nhiều loại túi với kích cỡ khác nhau và trọng lượng tối đa lên tới 30 kg. Ngoài ra, sử dụng máy đóng gói hút chân không giúp kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm chè lên đến 02 năm. Đối với máy xào gas, do là công nghệ hiện đại nên giúp nhiệt độ xào chè luôn được ổn định và có thể điều chỉnh theo ý muốn. Mặt khác, thông qua việc ứng dụng máy xào gas đã giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì hạn chế được khói, bụi và gỉ sét. Đồng thời, làm tăng năng suất, cũng như chất lượng của sản phẩm chè cao hơn nhiều so với các loại máy xào truyền thống; Thời gian sử dụng máy trên 10 năm và áp dụng được hầu hết trong các công đoạn xào chè…

 

Tương tự, đối với máy đóng gói trà tự động cho phép đóng gói các sản phẩm chè có trọng lượng từ 3 - 30kg; Máy được điều khiển bằng màn hình cảm ứng với các thao tác đơn giản, thuận tiện, giúp nâng cao năng suất; Tốc độ cấp liệu, hút chân không nhanh, trọng lượng định mức được cân điện tử đo với tốc độ chính xác cao. Còn về tủ sấy hương được điều khiển điện tử, khống chế nhiệt tự động, giúp gia nhiệt và tản nhiệt đều trên các tầng; Cách nhiệt bảo ôn tốt và toàn bộ hệ thống tản nhiệt làm việc theo nguyên lý tuần hoàn, chạy tản đều trong buồng sấy.

 

 

Các sản phẩm chè của Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường

 

Bà Nguyễn Thị Như Trang – Giám đốc Hợp tác xã trà Sơn Dung (tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên) cho biết: Do mới được thành lập vào cuối năm 2018 nên trong gần 03 năm qua, Hợp tác xã chúng tôi đã gặp không ít những khó khăn về nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị máy móc để chế biến và sản xuất chè. Được sự quan tâm, ủng hộ của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên, đến nay, Hợp tác xã đã có những bước phát triển tích cực. Các sản phẩm chè làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định như hiện nay, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho Hợp tác xã; Đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng nên Hợp tác xã đã có điều kiện thu gom một lượng lớn chè xanh từ người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như mở rộng diện tích đất trồng chè tại địa phương.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của các đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên nhận định: “Với nguồn vốn đầu tư không lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hợp tác xã sản xuất và chế biến chè. Đến nay, thông qua sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, các hợp tác xã này đều đã và đang từng bước phát triển. Đồng thời, góp phần tạo thêm việc làm với thu nhập ổn định cho lao động địa phương từ tham gia sản xuất trực tiếp và lao động trồng chè cung cấp nguyên liệu cho cơ sở. Ngoài ra, các tác động gián tiếp tích cực về mặt kinh tế - xã hội đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trồng chè, cũng như phát triển bền vững lợi thế của địa phương. Do vậy, đây được coi là hướng đi đúng đắn, đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của tỉnh”.

 

Tuấn Ninh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang