Thứ Năm, 25/04/2024 17:43:48 GMT+7

Tin đăng lúc 03-05-2022

Lượt xem: 1221

Khuyến công Thái Bình: Nhiều chương trình, dự án đang phát huy hiệu quả

Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Thái Bình đã tổ chức được nhiều hoạt động khuyến công, mang lại hiệu quả thiết thực, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp ngành CNNT (CNNT) của tỉnh phát triển ổn định.
Khuyến công Thái Bình: Nhiều chương trình, dự án đang phát huy hiệu quả
Dây chuyền sản xuất pallet nhựa của Công ty TNHH Phát triển công nghệ khí sinh học môi trường xanh

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Công Thương Thái Bình được UBND tỉnh giao thực hiện 152 đề án khuyến công với tổng kinh phí hơn 18,4 tỷ đồng. Nhìn chung, các đề án đều được thực hiện đúng tiến độ, đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công địa phương.

 

Các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động chính là một trong những điểm sáng của chương trình khuyến công tỉnh. Trong 5 năm (2016 - 2020), TTKC Thái Bình đã tổ chức 106 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 770 lao động; đồng thời tập huấn nâng cao tay nghề vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp cho 2.940 lao động. Sau đào tạo, trên 70% số lao động có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình: “Chương trình đào tạo nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động mà còn cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở CNNT, phục vụ quá trình cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.

 

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp (DN), hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp, thành lập DN, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT, Khuyến công Thái Bình đã triển khai 24 đề án, mở các lớp đào tạo cho khoảng 5.000 cán bộ quản lý, người lao động của các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhờ nắm vững kiến thức pháp luật về đầu tư, DN, các DN đã chủ động hơn trong việc củng cố năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quản trị marketing, phân tích khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường phát triển bền vững.

 

Đơn cử như Công ty TNHH Phát triển Công nghệ khí sinh học Môi trường xanh (cụm công nghiệp Đông Động, huyện Đông Hưng) chuyên sản xuất giá kệ (pallet) nhựa công nghiệp, thùng đựng rác nhựa, chậu hoa nhựa. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, Công ty đã tập trung đầu tư về khoa học công nghệ và máy móc hiện đại. Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, Công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng mua 02 dây chuyền sản xuất với tỷ lệ tự động hóa hơn 90%. Ông Ngô Duy Đông, Giám đốc Công ty cho biết: “Với quy trình sản xuất khép kín, tự động hóa nên chúng tôi giảm được năng lượng tiêu hao, rút ngắn thời gian sản xuất ra thành phẩm, chất lượng sản phẩm đạt độ ổn định cao, đồng đều theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.

 

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, TTKC đã giúp nhiều DN được hỗ trợ ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích các DN đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở CNNT. Từ đổi mới công nghệ và máy móc hiện đại, các DN, cơ sở CNNT nhanh chóng thích ứng, tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.

 

 

Các đề án khuyến công của Thái Bình tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất

 

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc TTKC Thái Bình cho biết: “Trung tâm đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kịnh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Đồng thời, Trung tâm cũng cử cán bộ phối hợp với cơ quan liên quan giám sát tiến độ thực hiện đề án khuyến công được triển khai đúng thời gian theo hợp đồng ký kết. Qua đó, đã khuyến khích các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ”.

 

Có thể nói, các chương trình khuyến công đã và đang giúp các DN, cơ sở CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ các làng nghề bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, du nhập nghề mới, mở rộng sản xuất đối với các sản phẩm phục vụ xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Hàng năm, TTKC Thái Bình tổ chức các khóa tập huấn khởi sự và quản trị DN trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhằm thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp địa phương và các làng nghề truyền thống, đều đặn hàng năm, Trung tâm còn tổ chức cho DN, cơ sở sản xuất tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn; tạo điều kiện quảng bá thương hiệu DN, sản phẩm CNNT đến với mọi miền đất nước…

 

Bước sang năm 2022, để công tác khuyến công tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, TTKC Thái Bình sẽ tiếp tục chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp làm nền tảng phục vụ hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế và góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

 

Xuân Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang