Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:10:06 GMT+7

Tin đăng lúc 11-10-2019

Lượt xem: 1320

Khuyến công Sóc Trăng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị sản xuất

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng (TTKC) đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, đổi mới thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho nhiều doanh nghiệp tại địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong đó, đề án hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiến tiến cho cơ sở sản xuất khô cá lóc của chị Tạ Thị Mỹ Trang (xã An Ninh, huyện Châu Thành) là một ví dụ.
Khuyến công Sóc Trăng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị sản xuất
Việc đầu tư lò sấy khô cá lóc đã giúp cơ sở tăng 50% công suất sản xuất so với trước đó

Nếu như trước đây, việc chế biến cá lóc khô tại cơ sở này luôn phải phụ thuộc vào tình hình thời tiết do phải tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi cá nên chất lượng sản phẩm không cao, năng suất thấp và không đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm thì nay, từ nhu cầu thực tế, chủ sơ sở mạnh dạn đầu tư lò sấy khô cá lóc với công suất 950kg/lần sấy. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư khá lớn, chị Trang đã chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh để lập đề án xin hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị.

 

Chia sẻ với phóng viên, chị Tạ Thị Mỹ Trang cho biết: “Lò sấy khô cá lóc trị giá 150 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho cơ sở 45 triệu đồng, vốn còn lại do cơ sở tự đối ứng là 105 triệu đồng. Với lò sấy mới này, cơ sở chúng tôi đã giải quyết được bài toán phải phụ thuộc thời tiết và sẽ chủ động hơn trong sản xuất, nhất là vào những dịp lễ, tết. Ước tính sau khi đầu tư thiết bị, công suất sẽ đạt 150 kg sản phẩm/ngày; tăng 50% công suất sản xuất so với trước đó”.

 

Đề án sau khi đi vào hoạt động đã giúp cơ sở giảm bớt được chi phí đầu tư, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, đồng thời  tạo được việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Thái Thành – Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh, huyện Châu Thành, Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 60 cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhìn chung, còn nhiều cơ sở khó khăn về vốn để đổi mới máy móc, thiết bị. Sự hỗ trợ lò sấy khô lần này sẽ phục vụ tốt cho sản xuất khô cá lóc của cơ sở trong thời điểm hiện nay. Đây cũng là động lực để cơ sở thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp của địa phương trong thời gian tới”.

 

Rõ ràng, với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khi mới đi vào hoạt động thì khó khăn về vốn và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất là điều khó tránh khỏi. Nhưng được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, đã trở thành cú hích để các đơn vị phát triển. Mỗi đề án khuyến công được triển khai đều thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp khu vực nông thôn, khuyến khích các cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay.

 

Năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương cho 9 đơn vị gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất và hợp tác xã để thực hiện đầu tư máy móc, thiết bị với tổng mức hỗ trợ trên 800 triệu đồng.

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang