Thứ Bẩy, 20/04/2024 17:13:38 GMT+7

Tin đăng lúc 22-07-2019

Lượt xem: 2325

“Khuyến công giúp doanh nghiệp tạo ra tư duy mới, cách làm mới”

Những năm gần đây, hoạt động khuyến công không chỉ đơn thuần là sử dụng kinh phí của Nhà nước, của địa phương để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất siêu nhỏ để phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, mà còn chuyển hướng, mở rộng sang hoạt động tư vấn, đào tạo, tập huấn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ứng dụng chuyển giao công nghệ, tổ chức các hội chợ, triển lãm…
“Khuyến công giúp doanh nghiệp tạo ra tư duy mới, cách làm mới”
Phối hợp tổ chức một số Hội chợ khu vực các tỉnh phía Bắc

Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn Phát triển công nghiệp 1 xung quanh vấn đề này.

 

PV: Được biết thời gian qua, hoạt động khuyến công không chỉ đơn thuần là dùng kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, các cơ sở công nghiệp nông thôn, mà nhiều Trung tâm Khuyến công (TTKC) còn mở rộng lĩnh vực tư vấn, hội thảo, hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại…, vậy theo ông, phải chăng các TTKC đã chuyển hướng để hoạt động sát thực và hiệu quả hơn?

 

Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng: Tùy từng địa phương, đơn vị và từng giai đoạn cụ thể, mỗi TTKC định hướng cho mình những nội dung hoạt động phù hợp. Ngoài công tác hỗ trợ cho các chương trình đề án, thì các TTKC cũng đã thường xuyên tiếp cận cơ sở để tìm kiếm nhu cầu, qua đó mở rộng quy mô, lĩnh vực một cách đa dạng, sát với thực tế hơn. Cụ thể là, phối hợp tổ chức hội thảo về năng suất chất lượng, giúp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Hội thảo chuyên về lĩnh vực cơ khí; tổ chức tọa đàm về năng suất chất lượng của ngành Cơ khí, chế tạo; tập huấn về chương trình 5S đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; mở các lớp tập huấn, hội thảo về tiết kiệm năng lượng… Qua đó, chia sẻ, tư vấn cho các doanh nghiệp, giúp cho họ nhận ra điểm mạnh, yếu của mình để phát huy và khắc phục.

 

Bên cạnh đó, Khuyến công còn giúp DN tìm mặt bằng; tư vấn làm thủ tục, hồ sơ nhanh nhất; cầu nối cho DN tiếp cận với các ngân hàng…, tạo mối liên hệ chặt chẽ, tương tác thường xuyên.

 

 

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn Phát triển công nghiệp 1

 

PV: Theo ông, đội ngũ cán bộ, nhân viên các Trung tâm Khuyến công đã đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ và đáp ứng được nhu cầu thị trường chưa, hay còn phải phối hợp, liên kết với các tổ chức, cá nhân khác để giúp cho các doanh nghiệp trụ vững và phát triển?

 

Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng: Thời gian qua, ngoài phát huy và khai thác triệt để năng lực của cán bộ, nhân viên, cũng đã có nhiều Trung tâm tổ chức lựa chọn, quy tụ được các chuyên gia tư vấn, chuyên gia độc lập, chuyên gia ở các nhóm và làm cầu nối giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với các nhà khoa học, nhà thực tiễn học. Các chuyên gia sẽ đánh giá xem doanh nghiệp có những khoảng trống gì, còn những khiếm khuyết gì, sau đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với doanh nghiệp, hoặc cũng có thể giúp họ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chương trình 5S, về tăng năng suất lao động…

 

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần vốn, lao động, thị trường… để nâng cao sức cạnh tranh, thì Trung tâm Khuyến công sẽ tư vấn cho họ, ví dụ: Kế hoạch của doanh nghiệp A cần mua máy móc cho thiết bị dệt len, đang thiếu dây chuyền công nghệ dệt thì tư vấn mua máy loại gì để không bị lạc hậu trong một thời gian ngắn hạn, phù hợp với nguồn lực tài chính, khả năng vận hành máy. Các chuyên gia cũng vào cuộc, “cầm tay chỉ việc” cho từng giám đốc, phó giám đốc, quản đốc phân xưởng để tổ chức điều hành, sản xuất, giúp họ thấy được mình còn thiếu gì để bổ sung, hoàn thiện. Từ đó tăng năng suất lao động, tối ưu hóa sản xuất và sản phẩm làm ra không bị lỗi. Nhìn chung, hoạt động khuyến công ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

 

 

Hỗ trợ tư vấn Công ty Minh Thành Công khởi nghiệp và sản xuất thành công thiết bị ngành nước

 

PV: Có ý kiến cho rằng, việc DN tiếp cận với nguồn vốn khuyến công giai đoạn gần đây rất khó khăn, vậy cần phải tháo gỡ thế nào để không phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí Nhà nước?

 

Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho công tác khuyến công nhằm tạo cú hích, định hướng thôi, còn với lượng kinh phí không nhiều đó thì chỉ hỗ trợ được một phần trong khoản kinh phí mà DN tự bỏ ra, giúp họ tạo ra tư duy mới, cách làm mới. Nhà nước làm như thế là quá đủ.

 

Tiếp cận nguồn khuyến công không khó. Vấn đề DN vừa và nhỏ phải tìm hiểu hiệu quả của công tác khuyến công, rồi bản thân những người làm khuyến công cũng cần phải làm tốt việc tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ DN. Bên Khuyến công đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, thì các DN cần lắng nghe, chia sẻ, đồng hành. Bản thân DN cảm thấy cần thiết thì có thể đề xuất, phối hợp làm các triển lãm, hội chợ quy mô vùng, quốc gia để thu hút, quảng bá thương hiệu, sản phẩm…, cái chính bây giờ là định hướng, tạo ra cái mới. Vấn đề là từ hai phía phải bắt tay cùng làm.

 

PV: Xin cám ơn ông!

 

Nguyễn Văn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang