Thứ Tư, 24/04/2024 10:37:07 GMT+7

Tin đăng lúc 23-05-2019

Lượt xem: 1515

Khuyến công cần chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên

Ngày 24/4/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị sơ kết Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014 – 2018. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng trích tóm tắt phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Khuyến công cần chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Khuyến công mang lại luồng sinh khí mới

 

Từ năm 2014, Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1288 của Thủ tướng chính phủ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn tổ chức triển khai, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Sau 5 năm hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cầu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở CNNT sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển sản xuất một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Bên cạnh đó, mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang tiếp tục được thực hiện, khẳng định vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT theo quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, vùng, tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể. Công tác khuyến công trong 5 năm qua cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn, 98% số lao động được đào tạo đã được bố trí việc làm; Hỗ trợ cho hơn 630 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, một số nội dung hoạt động đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch tại quyết định số 1288 như: Hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước (tăng 29%) và hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới (tăng 5%).

 

Hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến đã góp phần quan trọng gia tăng giá trị sản xuất CNNT, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn; giúp các cơ sở CNNT có được hướng đầu tư hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

 

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ TW tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về công thương địa phương được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT.

 

Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập, dần ổn định và hoạt động hiệu quả. Các Trung tâm Khuyến công (TTKC) được quan tâm đầu tư về biên chế, bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc. Hoạt động liên kết, phối hợp ngang giữa các TTKC với nhau và các tổ chức dịch vụ khuyến công khác đã hình thành và có hiệu quả. Tính đến nay, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai thực hiện hoạt động khuyến công với tổng số cán bộ tại các TTKC trên cả nước là 1.048 người (trung bình khoảng 17 người/trung tâm); trong đó, số biên chế là 875 người (trung bình 14 người/trung tâm).

 

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu

 

Giai đoạn 2021-2030, chương trình khuyến công phải được triển khai trên cơ sở kết quả đạt được từ giai đoạn trước, các hoạt động khuyến công cần hướng đến cơ cấu hợp lý trong các ngành công nghiệp tại địa phương với sự tham gia của các thành phần kinh tế; Phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung; Gắn sản xuất với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, ổn định và bền vững; Hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp; Hỗ trợ phát triển đồng bộ hạ tầng các cụm công nghiệp, góp phần phân bố công nghiệp hợp lý tại các khu vực trên cả nước.

 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp, các ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu tham quan các gian hàng CNNT tiêu biểu giai đoạn 2014 - 2018

 

Đặc biệt, cần chú trọng các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở CNTT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số thông qua chính sách khuyến công. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội nghị cần phải làm rõ một số nội dung quan trọng như:

 

Một là, đánh giá một cách khách quan các kết quả đạt được của các hoạt động khuyến công; nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1288, tìm ra các nguyên nhân chủ quan khách quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

 

Hai là, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công.

 

Ba là, trao đổi những bài học kinh nghiệm có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện của các Trung tâm Khuyến công, tổ chức dịch vụ khuyến công, thể hiện kết quả, hiệu quả từ sự tương tác giữa chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý chương trình với cách thức triển khai của các đơn vị thực hiện.

 

Bốn là, thảo luận những giải pháp thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phối hợp giữa Trung ương và địa phương, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những chủ trương định hướng giải pháp thực hiện các hoạt động khuyến công giai đoạn 2021 – 2030./.

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang