Thứ Năm, 25/04/2024 12:04:13 GMT+7

Tin đăng lúc 31-03-2021

Lượt xem: 1527

Khuyến công Bình Định: Một mũi tên trúng nhiều mục tiêu

Năm 2020, cũng như nhiều địa phương khác trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, Bình Định nỗ lực tìm mọi giải pháp vượt khó để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid -19 toàn cầu. Chỉ tính riêng GRDP công nghiệp đã giữ được đà tăng trưởng đáng khích lệ, tăng 9,33% so với năm 2019.
Khuyến công Bình Định:  Một mũi tên trúng nhiều mục tiêu
Lễ Công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Định năm 2020

Nổi bật trong thành tích chung đó, hoạt động khuyến công của Bình Định đóng vai trò “bà đỡ” đã vươn lên khẳng định hướng đi đúng đắn của mình, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sung lực mới kích hoạt nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Khuyến công Bình Định trở thành một mũi tên trúng nhiều mục tiêu hiệu quả.        

              

Phía sau những con số đầy nội lực

             

Năm 2020, tổng kinh phí KCQG và KCĐP được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hỗ trợ là: 3.500 triệu đồng/31 chương trình, đề án. Từ quý 3/2020, đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 17/31 chương trình, đề án, đạt 48% kế hoạch. Được sự chỉ đạo sát sao của UBND Tỉnh và Sở Công Thương, đến cuối năm 2020, Trung tâm Khuyến công và TVPTCN Bình Định đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu và hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công đề ra.

 

Khuyến công Bình Định đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu tỉnh Bình Định lần thứ VI - năm 2020 và tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kết quả, có 50/141 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và 11/25 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Những sản phẩm tiêu biểu này đã được Sở Công Thương hỗ trợ tham gia trưng bày, quảng bá tại Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Hội nghị kết nối cung cầu năm 2020, tỉnh Quảng Bình.

           

Đâu chỉ có nông thôn mới khởi sắc

            

Thực hiện Chương trình Khuyến công tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 273 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 21.912,5 triệu đồng; trong đó, khuyến công quốc gia chiếm 33,6%, khuyến công địa phương cấp tỉnh chiếm 52,3% và khuyến công địa phương cấp huyện chiếm 14,1% so tổng kinh phí.

             

Đến nay, Bình Định đã có 86/121 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.  Hoạt động khuyến công đã góp phần đắc lực trong tiến trình đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Cụ thể, giúp cơ sở CNNT mạnh dạn trong xác định hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao năng lực quản lý. Các sản phẩm CNNT phát triển mạnh, nhất là nhóm sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; đặc biệt, đã xuất hiện thêm nhiều sản phẩm mới thân thiện môi trường như dĩa, hộp đựng từ nguyên liệu mo cau, ống hút từ nguyên liệu bột gạo… thay thế sản phẩm xốp, nhựa sử dụng một lần, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm CNNT xuất khẩu trực tiếp 100%... Qua đó, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục, số lượng cơ sở CNNT phát triển, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6%/năm, giá trị gia tăng công nghiệp tăng 9,5%//năm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Khuyến công không những được biết đến ở nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất mà còn hỗ trợ phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; đồng hành với các cơ sở CNNT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế về kinh tế, hướng đến phát triển bền vững. Như vậy, Khuyến công Bình Định đã đóng vai trò “bà đỡ” trong sản xuất CNNT, giải quyết được các điểm nghẽn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và chạm đích nhiều mục tiêu quan trọng của địa phương.

 

Triển khai sâu, rộng có trọng điểm và vững chắc

 

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết XIII Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết XX của tỉnh Đảng bộ; Bình Định cùng với cả nước trước xu thế, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, với một số Hiệp định thương mại thế hệ mới đã được ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… được kỳ vọng mở ra cơ hội mới, nhưng cũng đan xen các thách thức.

 

 

 

Ông Võ Mai Hưng - PGĐ Sở Công Thương Bình Định và cán bộ Trung tâm Khuyến công kiểm tra hiệu quả công tác khuyến công tại cơ sở

 

Theo ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định: Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công gắn với phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn” trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện trên 150 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cấp tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công Thương tập trung tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

 

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu đầy đủ, công khai  các chương trình, đề án, chính sách về khuyến công, tạo sự đồng thuận cao, ủng hộ, hưởng ứng của các ngành và đơn vị thực hiện.

 

Hai là: Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch.

 

Ba là: Tăng cường phối hợp với các Sở ngành và địa phương, các Hiệp hội ngành nghề, Liên minh HTX, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để phát triển hoạt động khuyến công. Ưu tiên đề án khuyến công điểm, đề án khuyến công nhóm nhằm tập trung nguồn vốn đầu tư tổng hợp, có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành tiêu biểu, chủ lực, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng bộ với các chính sách khác... làm điểm nhấn, là động lực, góp phần khuyến khích thu hút vốn đầu tư tổng hợp từ các nguồn vốn đầu tư khác; là mô hình điểm, có tác động lan tỏa, có khả năng nhân rộng…

                                                                                   

  Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang