Thứ Ba, 23/04/2024 18:24:01 GMT+7

Tin đăng lúc 13-06-2020

Lượt xem: 1221

Khuyến công Bình Định: 1 đồng “vốn mồi” hút 4 đồng vốn đối ứng

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công của Bình Định đã được đầu tư đúng hướng về vốn. Nguồn “vốn mồi” đã thu hút và khuyến khích các đối tượng thụ hưởng đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo ra sức bật cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh.
Khuyến công Bình Định: 1 đồng “vốn mồi” hút 4 đồng vốn đối ứng
Ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm gỗ nội thất tại doanh nghiệp tư nhân An Đức (thị trấn An Lão, huyện An Lão, Bình Định).

Theo số liệu từ Sở Công Thương Bình Định, trong giai đoạn 2014 – 2020, Khuyến công Bình Định đã thực hiện 122 đề án thuộc hai nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các nội dung này là 14,135 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng kinh phí của cả giai đoạn. Đây cũng là những nội dung thu hút nhiều vốn đối ứng của các cơ sở sản xuất hơn cả.

 

Một trong những đề án tiêu biểu nhất có thể kể đến là “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đồ gỗ nội thất” thực hiện tại hộ kinh doanh Trí Lực (huyện Tuy Phước). Thiết bị mới được hỗ trợ đầu tư gồm máy bào 4 mặt, 5 trục dao với công suất khoảng 20 m3/phút đã giúp tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, có khả năng sản xuất hàng loạt. So với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống, năng suất lao động đã tăng cao hơn nhiều, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Hay như Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung bê tông nhẹ AAC”, thực hiện tại Công ty Cổ phần gạch Tuynel Bình Định (huyện Tuy Phước). Sản phẩm có kích thước lớn, trọng lượng nhẹ, cách nhiệt và âm tốt, độ bền cao… Hiện nay, dây chuyền thiết bị mới trong đề án đã vận hành ổn định, mang lại doanh thu khoảng 65 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 42 lao động tại địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo đánh giá từ Sở Công Thương Bình Định, nguồn vốn khuyến công của tỉnh những năm qua đã giúp nhiều ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu nhập.

 

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác khuyến công của Bình Định vẫn còn những vấn đề tồn đọng cần sớm được giải quyết như: số cơ sở CNNT đủ điều kiện triển khai đề án khuyến công không nhiều; nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, mở rộng sản xuất do khó khăn về nguồn vốn hay như việc các đề án có quy mô nhỏ, rời rạc chưa tạo thành nhóm, không tạo được hiệu ứng lan tỏa và tác động mạnh tới doanh nghiệp.

 

Nhìn rõ những khó khăn và hạn chế đó, Sở Công Thương Bình Định đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Sở đã đề xuất với UBND tỉnh tăng khoảng 20 - 25% kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

 

Ngoài ra, đến năm 2025, khuyến công Bình Định sẽ hỗ trợ khoảng 300 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo, khởi sự, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề. Trên 110 cơ sở CNNT sẽ được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất sạch hơn. Đồng thời, 40 cơ sở CNNT sẽ được xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm…

 

Từ 27,853 tỷ đồng “vốn mồi”, qua 7 năm (2014 - 2020) Khuyến công Bình Định đã thu hút tới 106,107 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đối tượng thụ hưởng. Nghĩa là trung bình cứ 1 đồng vốn mồi thì thu hút 4 đồng vốn đối ứng.

 

Phương Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang