Thứ Năm, 25/04/2024 07:43:19 GMT+7

Tin đăng lúc 06-03-2023

Lượt xem: 597

Khuyến cáo của chuyên gia để giảm đồ uống có đường

Các chuyên gia y tế và sức khoẻ cộng đồng cho hay, một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì không thể không cảnh báo đó là tình trạng tiêu dùng thiếu kiểm soát đồ uống có đường.
Khuyến cáo của chuyên gia để giảm đồ uống có đường

Làm rõ hơn vì sao đồ uống có đường gây thừa cân, béo phì, các chuyên gia cho hay, đa số đồ uống có đường được thêm vào bởi đường fructose gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân béo phì.

 

Đồ uống có đường bất kể là được tạo ngọt bằng đường hay chất tạo ngọt nhân tạo (đường hóa học) đều kích thích cảm giác thèm ăn các thức ăn ngọt, nhiều carbohydrate và làm gia tăng cảm giác đói, giảm ngưỡng cảm giác no. 

 

Nhằm hạn chế tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo trẻ em từ 2-18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày và chỉ giới hạn không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần.

 

Theo khuyến cáo của WHO lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khoẻ tương đương dưới 25-50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.

 

Đặc biệt, PGS.TS Trương Tuyết Mai cũng nhấn mạnh trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

 

Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường:

 

- Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.

 

- Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô…

 

- Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn.

 

- Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.

 

- Chọn các kích cỡ suất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.

 

- Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.

 

- Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.

 

- Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang