Thứ Sáu, 19/04/2024 13:21:21 GMT+7

Tin đăng lúc 18-02-2016

Lượt xem: 4344

Khu kinh tế Dung Quất phát triển công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu

Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được Chính phủ xác định là KCN lọc - hoá dầu đầu tiên của cả nước; là khu tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, dựa trên lợi thế về cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay Chu Lai; là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.
Khu kinh tế Dung Quất phát triển công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu
Nhà máy lọc dầu (Khu kinh tế Dung Quất)

Với lợi thế là KKT ven biển, có cảng nước sâu, quỹ đất phong phú, cơ chế chính sách ưu đãi và được ưu tiên phát triển. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất đã khẳng định là hạt nhân, động lực cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực.

 

Hiện nay, KKT Dung Quất đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng (diện tích khoảng 45.000ha), đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư. Đã có 129 dự án được cấp chứng nhận đầu tư vào KKT Dung Quất, tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD, vốn thực hiện gần 5 tỷ USD, trong đó 81 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp khoảng 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi; giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. Việc phát triển các ngành công nghiệp nặng tại Quảng Ngãi đã có tác động lan tỏa, kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ, đô thị và dịch vụ phát triển.

 

Trong thời gian tới, KKT Dung Quất sẽ tiếp tục đầu tư để giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh; tạo nền tảng đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Theo đó, Quảng Ngãi tiếp tục phát huy vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn… để sớm hình thành Trung tâm Lọc hoá dầu và Trung tâm Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất; phát triển các ngành công nghiệp nặng, có quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, tập trung hỗ trợ để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án hóa dầu, hóa chất, năng lượng, bột giấy và thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và các loại hình dịch vụ vào KCN VSIP và các KCN trong KKT Dung Quất...

 

Đồng thời thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạo quỹ đất sạch; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; đường giao thông trục chính; các công trình hạ tầng; các dự án hạ tầng hỗ trợ an sinh xã hội phục vụ cho các khu dân cư tái định cư và khu nhà ở cho công nhân; phát triển tổ hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP gắn với đô thị Quảng Ngãi.

 

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh mới về ô nhiễm môi trường; kịp thời xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là xử lý nước thải và chất thải rắn.

 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động; tăng cường liên kết đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất.

 

Đổi mới có hiệu quả mô hình quản lý, thực hiện tốt cơ chế phối hợp và cơ chế “Một cửa, tại chỗ” trong quản lý, gắn kết giữa quản lý một số lĩnh vực với quản lý hành chính lãnh thổ. Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKT Dung Quất với các đơn vị sở, ngành liên quan trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt Tổ một cửa tại KCN VSIP.

 

Phối hợp với các Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư ở các quốc gia có tiềm năng; ưu tiên thu hút vào các lĩnh vực đầu tư như: hóa dầu, phụ trợ của lọc dầu, luyện cán thép, công nghiệp cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, thực phẩm, chế biến nông sản, cảng biển, dịch vụ logistics, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, phát triển cảng và dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Tăng cường việc liên kết phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng giới thiệu các dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến các địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư có lực lượng lao động dồi dào và lợi thế về các lĩnh vực dệt may, giày da…

 

Nguồn: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang