Thứ Tư, 24/04/2024 02:42:36 GMT+7

Tin đăng lúc 11-08-2015

Lượt xem: 7452

Không để thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; tiếp tục duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Không để thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường
Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác quản lý an toàn thực phẩm được triển khai theo kế hoạch; công tác truyền thông tiếp tục được chú trọng, đã huy động các thành phần và tổ chức trong xã hội cùng tham gia; công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với việc áp dụng chế tài xử phạt mạnh hơn so với năm 2014, tỷ lệ cơ sở bị đình chỉ hoạt động tăng từ 1,3% (2014) lên 5,1% (2015); mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được triển khai hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đã thí điểm kết nối thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng, giúp minh bạch hóa quy trình thẩm định hồ sơ, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nên còn nhiều hạn chế; số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn xếp loại C sau tái kiểm tra còn chiếm tỉ lệ cao (36/52 cơ sở); việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, chủ yếu tại tuyến xã (chiếm 81,7% số cơ sở vi phạm); ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa giảm. Một số báo đưa tin không chính xác, chưa được kiểm chứng tạo sự lo lắng thái quá trong cộng đồng như: thông tin về gạo giả, mực cao su, sữa có đỉa, trứng gà giả.

 

Để tiếp tục tạo chuyển biến, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các cấp tăng cường công tác phối hợp, thực hiện kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ đã được giao.

 

Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

 

Phó Thủ tướng giao các Bộ Y tế,  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương hỗ trợ, hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, phường tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau khi được Thủ tướng phê duyệt; khẩn trương hoàn thành việc ban hành các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trước tháng 11/2015; nhanh chóng triển khai áp dụng cơ chế một cửa quốc gia đối với thực phẩm nhập khẩu.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đề xuất các giải pháp quản lý, biện pháp kiểm soát ngộ độc và nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

 

Đồng thời triển khai giải pháp để quản lý việc kinh doanh và sử dụng phẩm màu, phụ gia thực phẩm một cách hiệu quả; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu, quy định giá trị pháp lý đối với kết quả kiểm nghiệm của các thiết bị phát hiện nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đặt tại các chợ, siêu thị.

 

Bộ Y tế phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ để thông tin cho nhân dân về những khuyến nghị trong sử dụng thực phẩm chức năng một cách phù hợp, giúp nhân dân có cách nhìn và sử dụng đúng loại thực phẩm này.

 

Mở rộng phân phối thực phẩm thông qua hệ thống siêu thị


Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm thực phẩm thông qua hệ thống siêu thị để từng bước thay thế các chợ tự phát, truyền thống; rà soát, kịp thời điều chỉnh quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất chuyển khẩu hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm đông lạnh, tránh trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí giám sát và quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các báo ngoài việc đưa tin về các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cần đưa tin về các mô hình sản xuất an toàn, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tránh việc đưa các thông tin về an toàn thực phẩm không đầy đủ, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sản xuất.

 

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn thực phẩm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia cầm, thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm…

 

Xử phạt nghiêm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt việc xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể về xây dựng mới các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi cho các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp và tập trung thủ công.

Đồng thời, xử phạt nghiêm đối với các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh theo qui định; chỉ đạo UBND cấp huyện xây dựng lộ trình từng bước giảm dần các điểm, hộ giết mổ thủ công nhỏ lẻ trong khu dân cư và chợ truyền thống không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang