Thứ Sáu, 29/03/2024 01:35:21 GMT+7

Tin đăng lúc 04-03-2021

Lượt xem: 924

Không để hoạt động livestream là cầu nối bán hàng lậu, hàng nhái

Sự phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng đang làm náo loạn thị trường bán lẻ đòi hỏi cơ quan chức năng phải nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới trong phương pháp quản lý.
Không để hoạt động livestream là cầu nối bán hàng lậu, hàng nhái

Muôn kiểu đối phó

 

Như Chất lượng Việt Nam online đã phản ánh, thông qua hình thức livestream, nhiều loại mặt hàng nhái, hàng giả được công khai kinh doanh. Đây là vấn đề nóng và đầy thách thức với cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống gian lận trên môi trường thương mại điện tử.

 

Trước thực trạng này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT từng nhận định, các hành vi gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn tinh vi nhằm trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng như lập nhiều tài khoản facebook quảng cáo, không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung… Do đó, trong năm 2021, nhiệm vụ chính của QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng.

 

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội thừa nhận, đang có nhiều vướng mắc khi xử lý các vi phạm về thương mại điện tử, đặc biệt lực lượng chức năng đang gặp khó trong việc bố trí lực lượng chuyên trách, chuyên môn để định vị kho hàng, chứng minh thủ đoạn vi phạm là điều không dễ.

 

“Khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường thương mại điện tử là phải có sự việc rõ ràng, có người mua và món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh dẫn đến tình trạng lực lượng QLTT không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (đối với hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn”, ông Chu Xuân Kiên cho biết.

 

Thậm chí, nhiều trường hợp lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện đúng địa chỉ, đúng mặt hàng kinh doanh nhưng chủ cơ sở không thừa nhận hoặc khi kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa… website ngay tại thời điểm kiểm tra, gây khó khăn khi chứng minh vi phạm.

 

Dự báo năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường internet sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có hình thức livestream. Vì vậy, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử.

 

Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới và phải coi, đối xử bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Các mô hình thương mại điện tử sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn, quy định trách nhiệm chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại tử. 

 

Ngoài ra, ông Linh nhấn mạnh, trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Vì vậy, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổng thể để lực lượng QLTT đủ năng lực phòng chống, ngăn chặn. Ngoài ra, thành lập bộ phận chuyên trách chính thức của lực lượng QLTT chuyên phòng, chống hành vi gian lận thương mại trên thương mại điện tử. Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm tra, hậu kiểm của lực lượng quản lý thị trường.

 

Đặc biệt, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục kiểm tra các chủ thể, chủ sàn tham gia giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội.

 

Cần sớm coi livestream là một nghề để quản lý?

 

Để quản lý và giám sát tốt hơn các hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, trong đó như đã nêu ở trên là ngoài xử lý trách nhiệm của chủ thể gian hàng, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm không nhỏ thuộc về những người trực tiếp livestream. Có cần coi đây là một nghề đặc thù để có những quy định quản lý và giám sát, đảm bảo công bằng cho những hoạt động nghề nghiệp khác?

 

 

 Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để quản lý hoạt động livestream bán hàng

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, trước tiên nghề livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức, cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các youtuber. Nhà nước phải quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động livestream vì họ có thu nhập rất lớn. Cơ quan thuế phải có trách nhiệm truy thu thuế những tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ việc livestream. Đặc biệt, các streamer phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế nếu có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên.

 

Theo ông Hậu, cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này. Cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ.

 

Theo luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM), không chỉ với hoạt động bán hàng, Nhà nước cần quản lý các sản phẩm, hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer vì sản phẩm này gắn liền với mạng xã hội, kênh phát video qua internet, có tính tác động, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý văn hóa, xã hội và an ninh mạng. Tuy nhiên, luật sư Điền cho rằng, không cần công nhận đây là nghề riêng biệt để có văn bản quy phạm pháp luật riêng. Hiện nay, có thể vận dụng Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Xuất bản và các Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông để quản lý các sản phẩm và hoạt động tạo ra sản phẩm của các streamer.

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng với những loại hình hoạt động mới, như streamer, Nhà nước cần thời gian để thấy được mô hình như thế nào, có những bất cập gì, từ đó mới có biện pháp định hướng, quản lý cụ thể. “Nếu họ livestream bán hàng gian, hàng giả thì lực lượng Quản lý Thị trường phải vào cuộc; còn cá nhân, tổ chức có được phép livestream hay không lại là chuyện khác. Hiện, thương mại điện tử còn chưa có mã ngành thì làm sao các streamer được coi là một nghề và cấp giấy phép cho cá nhân hành nghề này? Chưa nên đặt vấn đề streamer là một nghề và xây dựng quy chế riêng để quản lý".

 

Theo VietQ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang