Thứ Sáu, 19/04/2024 06:54:06 GMT+7

Tin đăng lúc 03-08-2022

Lượt xem: 453

Không để giá hàng hóa 'lên nhanh, xuống chậm'

Mặc dù thời gian gần đây giá xăng đang giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hết lo lắng khi một số hàng hóa hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Không để giá hàng hóa 'lên nhanh, xuống chậm'
Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) phân tích, việc giảm giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận động của giá cả thị trường thông qua phương thức gián tiếp là chủ yếu.

 

Nhà nước chỉ còn định giá trực tiếp một số ít hàng hóa dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

 

Theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng như: Giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch...

 

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đây cũng là thách thức với công tác quản lý điều hành giá.

 

Với mặt hàng xăng dầu, mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải-trong tháng 7/2022, giá xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh giảm trong đó kỳ điều hành ngày 11/7 và 21/7 giá giảm mạnh nhưng giá cả nhiều mặt hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nghịch lý giá cả nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng yếu tố chủ quan là chính. Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện giá cả xăng dầu trong nước chưa vận hành theo kịp diễn biến thị trường thế giới, thị trường xăng dầu vẫn phụ thuộc vào số ít đầu mối, chưa có sự cạnh tranh đúng nghĩa.

 

Mặc dù đánh giá cao quyết định giảm thuế môi trường để giảm giá xăng dầu của Quốc hội, Chính phủ nhưng chuyên gia Vũ Vinh Phúc cho rằng đây chỉ là giải pháp cấp bách, ngắn hạn và về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn. Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ khó chấm dứt.

 

Theo Vietq.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang