Thứ Sáu, 19/04/2024 08:34:25 GMT+7

Tin đăng lúc 06-02-2020

Lượt xem: 3453

Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá các thực phẩm thiết yếu tại hệ thống bán lẻ

Ngày 05 tháng 02 năm 2020, Đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã xuống làm việc và kiểm tra nguồn hàng thực phẩm thiết yếu tại một số hệ thống siêu thị lớn (Big C, Sai gon Coop, Vinmart), qua thực tế kiểm tra cho thấy nguồn hàng thực phẩm thiết yếu của các siêu thị hiện được bày bán khá dồi dào, giá ổn định như trước Tết.
Không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá các thực phẩm thiết yếu tại hệ thống bán lẻ

Qua báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, hiện các doanh nghiệp cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này. Cụ thể hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

 

Ngoài ra, qua trao đổi nhanh với một số hệ thống doanh nghiệp phân phối khác như Hệ thống siêu thị Lotte mart, Hệ thống siêu thị MM megamarket, các doanh nghiệp cho biết nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh phía Nam như Đà lạt nên nguồn cung ổn định.

 

Bên cạnh việc cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, các siêu thị cũng đã và đang làm việc với các nhà cung cấp khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải), nước sát khuẩn để tăng mạnh lượng cung cho thị trường.

 

Để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị ùn ứ do việc tạm đóng các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, hiện các siêu thị này cũng đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình (Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống).

 

 

Ngoài ra, để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (nCoV) đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

 

- Có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống, báo cáo phương án cung ứng hàng hóa (theo biểu mẫu gửi kèm) về Bộ Công Thương trước ngày 08 tháng 02 năm 2020;

 

- Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý;

 

- Kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối của mình đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận trong điều kiện dịch bệnh nCoV đang có nguy cơ lây lan rộng.

 

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

 

- Làm đầu mối tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông lâm, thủy sản của các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất; tổ chức các hoạt động kết nối với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối trên địa bàn.


- Phối hợp các cơ quan chức năng của địa phương đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động và tăng khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để thiếu hàng, bán hàng không đúng giá niêm yết trong hệ thống; xây dựng kịch bản và các phương án ứng phó với dịch bệnh.

 

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch. Xây dựng kịch bản và phương án tiêu thụ đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa chủ lực trên địa bàn khi gặp khó khăn trong xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

 

- Phối hợp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của địa phương rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để huy động khi cần thiết.

 

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, thường xuyên có báo cáo về tình hình và kết quả triển khai gửi Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, số điện thoại 04.22205359 - Email: trungdt@moit.gov.vn) để nắm chung tình hình và có chỉ đạo xử lý kịp thời.

 
Theo moit.gov.vn
 
 

Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang