Thứ Sáu, 29/03/2024 17:45:38 GMT+7

Tin đăng lúc 25-02-2021

Lượt xem: 825

Khởi động đầy lạc quan cho dệt may xuất khẩu

Nếu như thời điểm này năm ngoái ngành dệt may Việt Nam gặp phải không ít trở ngại bởi sự đứt gãy chuỗi cung do dịch bệnh thì tới nay ngành dệt may đã cho thấy sự phục hồi rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Khởi động đầy lạc quan cho dệt may xuất khẩu
Các doanh nghiệp dệt may đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm

Xuất khẩu tăng trưởng ngay từ đầu năm

 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đến nay trên thế giới tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Tuy vậy sau 1 năm thích nghi với đại dịch, kể từ đầu năm tới nay xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương và đón nhận tín hiệu lạc quan từ thị trường nhập khẩu.

 

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch hội Dệt may Việt Nam cho biết, ước tính 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu của dệt may đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ 2020. Đây là nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam khi vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

 

Theo ông Vũ Đức Giang, sở dĩ xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau một năm sống chung với đại dịch các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Cùng với đó việc các nước liên tục đưa vacxin vào tiêm cho người dân cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại.

 

Ước tính, đến thời điểm hiện tại rất nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký kết những đơn hàng đến hết quý I/2021, thậm chí có những doanh nghiệp có đơn hàng đến giữa năm. Đơn cử như Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2021. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Vitajean kỳ vọng với đà lạc quan của 6 tháng đầu năm thì 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn và để đón đầu phục hồi, Vitajean sẽ chuẩn lại nhân sự, nghiên cứu thiết bị thay cho lao động truyền thống nhằm tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 

Nỗ lực khép kín chuỗi giá trị

 

Ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2021 ngành dệt may Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD. Kế hoạch này khả thi vì ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được như Châu Âu. Đặc biệt các FTA này còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.

 

Bởi theo cam kết của các FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ chỉ hưởng lợi thế về thuế quan khi đáp ứng quy tắc xuất xứ từ vải hoặc sợi trở lên. Chính vì thế thời gian qua đã có không ít dự án đầu tư vào chuỗi giá trị dệt nhuộm hoàn tất để giúp ngành may tự chủ về nguồn nguyên liệu tại chỗ. Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2020, Trung Quy Group đã đưa vào hoạt động nhà máy dệt nhuộn hoàn tất có năng lực sản xuất cung ứng 2 triệu mét vải/ năm với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng tại tỉnh Long An.

 

Ông Trần Văn Quy - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Trung Quy Group chia sẻ, với việc khánh thành nhà máy dệt nhuộm hoàn tất Trung Quy sẽ tạo ra những nguồn nguyên liêu đạt chuẩn quốc tế cung cấp cho các đơn vị dệt may để xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Đặc biệt, với chuỗi khép kín dệt nhuộm hoàn tất với nguồn sợi từ Việt Nam sẽ giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa để phục vụ các FTA mà Việt Nam ký kết với các nước.

 

Theo các chuyên gia ngành dệt may, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dệt nhuộm là chủ trương lớn để tiến tới phát triển bền vững ngành dệt may trong nước. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà máy Dệt nhuộm không hề đơn giản, bởi ngành này bị cho là gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, xu hướng sắp tới sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào dệt nhuộm, nhưng chú trọng vào công nghệ mới, có thể tiết kiệm nước, có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, để đảm bảo phát triển hiệu quả đi đôi với bền vững môi trường, tiến tới ngành dệt may xanh phù hợp với xu hướng toàn cầu.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thứ ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Chúng tôi đã vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước ngoài đầu tư vào chuỗi cung nguyên liệu Việt Nam. Tuy nhiên để mời gọi thanh công, chúng tôi mong muốn Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang