Thứ Sáu, 19/04/2024 22:40:50 GMT+7

Tin đăng lúc 14-02-2021

Lượt xem: 1347

Khởi động "cỗ xe tam mã"

Cỗ xe tam mã “tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư” đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả tăng trưởng 2020. Đây cũng chính là động lực cho tăng trưởng 2021.
Khởi động "cỗ xe tam mã"
Tiêu dùng năm 2020 sụt giảm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng và tâm lí tiết kiệm dự phòng.

 

Là một năm đầy sóng gió nhưng 2020 đã khép lại với nền kinh tế Việt Nam có kết quả tăng trưởng GDP 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Như vậy, “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đã đạt được. Đây được xem là thành tựu nổi bật của Chính phủ không chỉ năm 2020 mà của cả nhiệm kỳ 2016 – 2020.

 

Cẩn trọng trước các con số

 

Đó là một con số tích cực, xét trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thông thường, tăng trưởng tới từ 3 trụ cột: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Về tiêu dùng, năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh, do thu nhập của người dân giảm sút, tâm lí tiết kiệm dự phòng lên cao và sự biến mất của du khách quốc tế từ quý II/2020.

 

Về đầu tư, chúng ta thấy rất rõ bệ đỡ cho tăng trưởng là đầu tư công, còn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng rất thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài thì suy giảm. Về xuất khẩu hàng hóa, năm 2020 có thặng dư rất lớn, 19,1 tỷ USD, nhưng thành tích này chủ yếu được tạo ra bởi khu vực đầu tư nước ngoài. Như vậy, khi nhìn sâu vào con số 2,91%, chúng ta thấy động lực tăng trưởng tới từ đầu tư công và xuất khẩu của FDI. Hai động lực này không có tính bền vững, bởi đầu tư công phụ thuộc vào ngân sách còn FDI thì tùy thuộc vào tình hình thế giới.

 

Cán cân thương mại gồm hai bộ phận là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa xuất siêu nhưng dịch vụ lại nhập siêu. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu dịch vụ tới 12 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2019.

 

Nói về xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam tới từ Mỹ, hơn 60 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ đã kéo toàn bộ cán cân thương mại của Việt Nam sang trạng thái thặng dư. Điều này cho thấy một xu hướng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ.

 

Xuất siêu sang Mỹ cố nhiên là tốt nhưng cũng đi kèm rủi ro, đó là rủi ro phụ thuộc vào một thị trường. Giả sử có kịch bản trừng phạt thương mại thì rất gay go cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đã gán mác Việt Nam thao túng tiền tệ. Tất nhiên, việc cáo buộc của Mỹ có nhiều vấn đề, nhưng đó cũng là một loại rủi ro đối với Việt Nam.

 

Trong câu chuyện xuất khẩu, chúng ta cũng thấy một thực tế đáng tiếc là các mặt hàng truyền thống của Việt Nam bị sụt giảm như: dệt may, da giày… Muốn năm 2021 tăng trưởng cao thì các mặt hàng truyền thống này phải lấy lại phong độ như trước, bởi lực cầu máy móc, thiết bị điện tử không kéo dài. Tuy vậy, việc các mặt hàng truyền thống có khôi phục được hay không lại phải trông đợi hoàn toàn vào việc các nước Âu – Mỹ có mở cửa trở lại hay không.

 

Tiền chảy đi đâu?

 

Một vấn đề nổi bật khác trong năm 2020 là tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%. Nhưng điều đáng nói là chỉ trước đó 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng năm 2020 tăng 10,14%. Có nghĩa là trong 10 ngày cuối năm, tín dụng tăng tới 2 điểm %.

 

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 sêm sêm năm trước đó, nhưng tăng trưởng GDP lại thua xa, vậy tiền đã chảy đi đâu? Có 2 lí do khiến tín dụng năm nay tăng trưởng 12,13%.

 

Một là tăng trưởng tín dụng chủ yếu do đảo nợ, gia hạn, cơ cấu nợ. Ví dụ, một doanh nghiệp năm 2019 vay 100 đồng, lãi suất 10%. Năm 2020, doanh nghiệp không có năng lực trả nợ, ngân hàng cơ cấu nợ, đem lãi nhập gốc thành khoản nợ mới trị giá 110 đồng. Như vậy, tín dụng tăng trưởng 10%. Nhưng tín dụng này không đi vào sản xuất, không tạo ra công ăn việc làm, không thúc đẩy tăng trưởng. Đó chỉ là tăng trưởng tín dụng trên sổ sách.

 

Hai là có thể tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất mà đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (ô tô) và giao dịch tài sản (bất động sản và chứng khoán). Điều này thấy khá rõ: giao dịch chứng khoán năm 2019 trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên, năm nay lên tới 20.000 tỷ đồng/phiên, rất khủng khiếp; giá bất động sản cũng tăng vòn vọt.

 

Tất nhiên, các ngân hàng thương mại không cho vay đầu tư chứng khoán hay bất động sản một cách trực tiếp. Tín dụng đi đường vòng để đổ vào các kênh tài sản này. Ví dụ, một doanh nghiệp có lợi nhuận tích lũy, trong điều kiện bình thường sẽ dùng lợi nhuận đó tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhưng do dịch bệnh, lãi vay thấp, chủ doanh nghiệp đi vay ngân hàng để có tiền hoạt động, còn đem lợi nhuân tích lũy đi đầu tư chứng khoán, bất động sản.

 

Về khuyến nghị chung, thứ nhất, Việt Nam nên tập trung nguồn lực cho tài khoá. Trong đó, ưu tiên hàng đầu phải là ưu tiên cho việc ổn định an sinh, xã hội. Thứ hai, với vấn đề đầu tư công thì chúng ta nên lựa chọn những dự án đầu tư trọng điểm, chứ không phân bổ một cách dàn trải. Cuối cùng, về chính sách tiền tệ thì phải rất thận trọng.

 

Theo Enternews.vn

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang