Thứ Bẩy, 20/04/2024 18:48:15 GMT+7

Tin đăng lúc 18-10-2015

Lượt xem: 5424

KHCN góp phần vào tăng trưởng kinh tế thành phố

Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động chuyên môn và KHCN của TPHCM bình quân đạt 16,9%, dẫn đầu trong 9 nhóm ngành dịch vụ, tăng gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2006-2010.
KHCN góp phần vào tăng trưởng kinh tế thành phố
Ảnh minh họa

Trên thực tế, sự tập trung đầu tư, chú trọng phát triển KHCN đã từng bước góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TPHCM đi vào chiều sâu, qua đó góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện có hiệu quả sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Trong giai đoạn 2010-2015, tổng sản phẩm nội địa của TPHCM tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, trong đó sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân đạt 33,1%, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.

 

Một trong những yếu tố căn bản góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chỉ số TFP của TPHCM là KHCN (đóng góp 74% vào sự tăng trưởng chỉ số TFP). Điều này cho thấy sự lãnh đạo đúng hướng của Đảng bộ TPHCM khi quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực KHCN theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW khóa 11 về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, trong giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM đầu tư vào lĩnh vực KHCN đạt bình quân trên 2,06% chi ngân sách hàng năm.

 

Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhằm đổi mới cách làm, tháo gỡ những vướng mắc đối với cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động nghiên cứu KHCN; thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ DN nâng cao năng lực, đổi mới mô hình quản trị và kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường toàn cầu.

 

Nhiều mô hình khoa học và công nghệ như Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung... đã được TPHCM tập trung phát triển và đang tiếp tục được mở rộng, tại những nơi này, liên tiếp cho ra đời các sản phẩm dịch vụ có giá trị hàm lượng chất xám cao.

 

Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động chuyên môn và KHCN của TPHCM ước đạt bình quân 16,9%, dẫn đầu trong 9 nhóm ngành dịch vụ, tăng gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2006-2010.

 

Nghị quyết Đảng bộ TP Khóa X xác định trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP là 8 - 8,5%/năm, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố năng suất (TFP) trên 35%/năm; qua đó xây dựng TP sớm trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, KHCN của khu vực.

 

Cần tập trung đẩy mạng ứng dụng KHCN hỗ trợ DN

 

Để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, khẳng định vị trí đầu tàu về KTXH, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ông Dũng cho rằng, thời gian tới, TPHCM cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển và ứng dụng KHCN.

 

Trong đó, tập trung xóa bỏ những “rào cản” hạn chế sự phát triển KHCN của DN liên quan đến các thủ tục hành chính. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ tài chính, năng lực nghiên cứu, trình độ công nghệ, sự liên kết giữa cơ quan nghiên cứu và DN…

 

Về giải pháp cụ thể, TP ưu tiên tập trung xây dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển DN hoạt động đổi mới sáng tạo, ươm tạo sản phẩm và doanh nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực nghiên cứu KHCN; xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn lực dùng chung, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của DN, nhất là DN vừa và nhỏ.

 

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu phát triển, thí điểm hình thành các mô hình hợp tác nghiên cứu KHCN hiệu quả; hỗ trợ DN thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN bằng các hoạt động cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn chuyên nghiệp, giúp DN nâng cao năng lực hoạt động, đa dạng và đổi mới sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Đối với hoạt động hỗ trợ tài chính, cần tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, hướng đến thương mại hóa sản phẩm KHCN; ưu tiên các sản phẩm hướng đến ứng dụng cho các DN tham gia dây chuyền cung ứng.

 

Theo ông Dũng, việc hoàn thiện môi trường đầu tư, nghiên cứu phát triển, hợp tác cởi mở, xây dựng các chính sách kết nối các giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, liên kết hình thành và tham gia chuỗi cung ứng… sẽ thúc đẩy hình thành lớp DN mới, thay đổi về chất, phát triển dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN mạnh mẽ.

 

Điều này không những góp phần nâng cao chỉ số TFP, tăng trưởng kinh tế của TPHCM trong nhiệm kỳ 2015-2020, mà còn đặt nền móng để TP hướng đến xây dựng nền kinh tế sáng tạo, là động lực phát triển KTXH TP nhanh và bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang