Thứ Tư, 24/04/2024 07:34:55 GMT+7

Tin đăng lúc 06-11-2018

Lượt xem: 15351

Kết nối giới thiệu nông sản Hòa Bình tại Hà Nội

Lần đầu tiên, các doanh nghiệp nông nghiệp sạch của Hòa Bình đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi chính thức với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) sáng 5-11 để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc sản của địa phương mình như cam Cao Phong, cá sông Đà, gà ri, gà đồi, rau quả sạch…
Kết nối giới thiệu nông sản Hòa Bình tại Hà Nội
PA và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình ký kết Biên bản ghi nhớ.

Tìm cách tiếp cận thị trường Hà Nội

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, về mặt tiêu thụ nhỏ lẻ, các sản phẩm nông nghiệp sạch của Hòa Bình được tiêu thụ khá nhiều ở thị trường Hà Nội, bởi lợi thế khoảng cách địa lý khá gần với Hà Nội. Hòa Bình chủ yếu là đất rừng, đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 14%, với các sản phẩm tập trung vào cây ăn quả có múi, chăn nuôi trâu, gia cầm, lợn, trứng, cá lồng… Cây có múi có nhóm chín sớm, chính vụ và chín muộn, với các giống cam nổi tiếng gồm bảy giống cam chủ lực đã được thị trường Hà Nội biết đến nhiều như cam lòng vàng, cam mát, cam Xã Đoài, cam Canh… Ngoài ra còn bưởi, quýt… Sản phẩm cam đã được bảo hộ nhãn hiệu, một số nơi đã có nhãn hiệu tập thể như cam Cao Phong, Lạc Thủy, và tiến tới tỉnh sẽ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam, cũng như tạo đặc điểm riêng, cùng với việc dán tem bảo đảm…

 

Hòa Bình hiện nay đã xây dựng được 25 chuỗi sản phẩm sạch, có khoảng gần 800ha nông sản sạch được chứng nhận VietGAP, hữu cơ và bảo đảm an toàn.

 

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, hiện nay có một số doanh nghiệp ở Hòa Bình có chuỗi sản phẩm sạch muốn đem giới thiệu tại thị trường Hà Nội.

 

Sắp tới, tỉnh Hòa Bình tổ chức hai hội chợ xúc tiến thương mại và hội chợ giới thiệu hoa quả có múi vào khoảng cuối tháng 11. “Chúng tôi mong muốn HPA hỗ trợ chúng tôi giới thiệu quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử đến các cộng đồng doanh nghiệp ở Hà Nội, các hệ thống siêu thị, nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện…, hỗ trợ tổ chức các tuần lễ nông sản theo mùa vụ như cây có múi, cá sông Đà, rau củ quả…, cũng như giúp đỡ về địa điểm trưng bày sản phẩm” - đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình chia sẻ.

 

Hòa Bình cũng mong muốn thông qua HPA, được tiếp cận với các đầu mối xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ, cũng như tiếp cận với các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

 

Ngoài ra, Hòa Bình cũng mong muốn được hỗ trợ thêm trong việc bảo vệ hàng hóa, chống hàng giả, hàng nhái, tăng cường bảo hộ sản phẩm để giữ vững chất lượng và thương hiệu.

 

Doanh nghiệp hai bên kết nối

 

Có mặt tại buổi làm việc có nhiều doanh nghiệp của cả thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Về phía Hà Nội có nhiều doanh nghiệp, chuỗi tiêu thụ sản phẩm sạch như Big C, Big Green, Tâm Thành, Hapro… Còn về phía Hòa Bình có Công ty TNHH MTV Cao Phong, tiền thân là Nông trường Cao Phong, doanh nghiệp Cường Thịnh chuyên sản xuất cá sông Đà… Các doanh nghiệp của hai bên đã chia sẻ, trao đổi để tiến tới ký kết hợp tác, bắt tay xây dựng chuỗi cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường Hà Nội.

 

Đại diện của các chuỗi siêu thị Big Green, Big C cho biết, họ đã nhập các sản phẩm nông sản sạch của Hòa Bình từ lâu, song hành cùng các sự kiện, chương trình giới thiệu sản phẩm, như cam Cao Phong, cá sông Đà. Tuy nhiên, một điều mà các đơn vị tiêu thụ này nhấn mạnh là công tác truyền thông, quảng bá. Đại diện của chuỗi siêu thị Big C cho biết, trong Tuần lễ giới thiệu nông sản sạch, do truyền thông tốt, Big C đã bán tới 30 tấn cam Cao Phong, còn trong Tuần lễ giới thiệu cá sông Đà, cũng nhờ truyền thông, 1,5 tấn cá đã được bán hết trong ba ngày. Còn Hapro Hà Nội giới thiệu Chợ đầu mối nông sản của Hapro, nơi giới thiệu và bán các sản phẩm sạch.

 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng chợ đầu mối với quy mô lớn, theo mô hình của Pháp, hàng hóa chủ yếu là nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. “Chợ đầu mối này được Pháp hỗ trợ xây dựng, đây là kênh tiêu thụ rất tốt, tạo mô hình ổn định sản xuất, ổn định lâu dài, giúp người dân nâng cao sản lượng, chất lượng, ổn định giá cả, tránh được nhiều khó khăn cho người dân. Đây cũng là nơi giúp các doanh nghiệp quảng bá ngành hàng, kết nối giữa các bên” - Ông Nguyễn Gia Phương nói.

 

Bà Nguyễn Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội giới thiệu trang web giới thiệu nông sản an toàn, mới ra mắt được hơn một tháng nhưng đã thu hút tới hơn 40 nghìn lượt người đọc. Trang web hoàn toàn miễn phí, độ tin cậy cao, tiếp cận được cả ba đối tượng người mua, người cung cấp và người sản xuất. “Các nhà sản xuất tham gia trang web đều phải có chứng nhận VietGAP. HPA và doanh nghiệp tham gia trang web có cam kết với nhau bảo đảm sản phẩm sạch và có đầy đủ giấy tờ chứng minh” - bà Nguyễn Mai Anh nói.

 

Phía HPA cũng đề cập đến các Tuần lễ giới thiệu nông sản, Hội chợ Đặc sản vùng miền là những hoạt động lớn trong năm, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia, có những doanh nghiệp trong nam cũng đăng ký tham gia rất đều đặn với những cách quảng bá rất thu hút.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giới thiệu nông sản sạch, mở đường cho các doanh nghiệp hai bên chính thức kết nối với nhau, mở rộng thị trường và mở rộng cơ hội dùng sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng Hà Nội.

 

Nguồn Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang