Thứ Sáu, 29/03/2024 19:01:04 GMT+7

Tin đăng lúc 27-03-2015

Lượt xem: 4473

IPU: Từ khát vọng hoà bình đến tầm nhìn phát triển bền vững

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) ra đời trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp, nhưng Liên minh đã cố gắng tạo ra các điều kiện thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, dựa trên cơ sở quyền lợi chính đáng hơn là sức mạnh của các cuộc chiến tranh tàn khốc.
IPU: Từ khát vọng hoà bình đến tầm nhìn phát triển bền vững

Từ thế kỷ thứ 19, với sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh liên miên qua hai cuộc đại chiến thế giới đã để lại những dấu tích trong tiềm thức của các dân tộc. Trong hy vọng tự giải thoát khỏi các tham vọng bị sụp đổ và các cuộc đấu tranh trong nước, giới cai trị ở các nước lớn và các nước khác nhỏ hơn đã bị khuất phục trước sự cám dỗ đến chóng mặt của lợi nhuận và thanh thế thu được từ các cuộc bành trướng địa lý không giới hạn. Sự chinh phục thuộc địa và bành trướng là hiện tượng châm ngòi cho chiến tranh biên giới. 

 

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) ra đời trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy.  

 

Khát vọng hòa bình

 

Trong những năm cuối thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, đối với các nước đang chiến tranh thì hòa bình chỉ theo sau các toan tính về cái được và cái mất so với đối thủ. Hòa bình chỉ có thể kéo dài trong khoảng thời gian hai bên tạm nghỉ để lấy lại sức lực trước khi củng cố chiến thắng hoặc phục thù. Sự thiếu năng lực của bất kỳ chế độ đương đại nào, những chế độ không bao giờ có đủ quyền lực cần thiết để thiết lập một nền hoà bình lâu dài mà không cần viện đến chiến tranh chứng tỏ sự bất lực trong việc sản sinh ra một loại “vaccine” phòng chống bạo lực.

 

Ý tưởng về việc tập hợp nghị sỹ của tất cả các nước cùng ủng hộ cho kế hoạch hòa giải được đưa ra trong nhiều hội nghị. Mở đầu là vào năm 1849 tại Paris, Victor Hugo đã đưa ra ý tưởng thành lập Nghị viện châu Âu trong tương lai. Hai mươi năm sau, vào chính thời điểm đang diễn ra chiến tranh Pháp - Phổ, chính Henry Richard, lúc này đã được bầu vào Hạ viện và Robert von Walterskirchen, nghị sỹ người Áo cũng đưa ra ý tưởng về Hội đồng Quốc gia hoặc Liên minh Nghị viện thế giới. Nghị sỹ người Tây Ban Nha Arturo de Marcaortu đã mở chiến dịch vận động tổ chức Hội nghị liên Nghị viện và được nghị sĩ Áo Fischhof ủng hộ hoàn toàn. Ông này đề nghị tất cả các Nghị viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết về giải trừ quân bị và trọng tài.

 

Năm 1877, Baron Ducker giành được khoảng 50 phiếu ủng hộ một kiến nghị tương tự tại Nghị viện Đức. Chương trình của Henry Richard cũng được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau tại Quốc hội Mỹ và Nghị viện các nước Đan Mạch, Thuỵ Điển, Bỉ và Hà Lan. Tại đây, ý tưởng này được các nhân vật nổi tiếng họp bàn để đi tới việc thành lập Liên minh Nghị viện thế giới. Ngoài ra, cần phải nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng là Edmond Thiaudiere, phóng viên người Pháp - người đã trình lên Hội nghị Hoà bình quốc tế tại Paris năm 1878 đề án về Nghị viện Quốc tế, và Euduard Loewenthal, người Đức - người đã đưa ra sáng kiến “Liên minh châu Âu” và cũng là tác giả của lời kêu gọi các phong trào hoà bình ở châu Âu và Mỹ thành lập Liên hiệp Nghị viện thế giới. Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận công lao sáng lập Liên minh Nghị viện thế giới của hai chiến sĩ hòa bình kỳ cựu là nghị sỹ người Anh William Randal Cremer và nghị sỹ ngưởi Pháp Frédéic Passy.

 

Ngày 29/6/1889, Hội nghị với tên gọi “Hội nghị Trọng tài của các Nghị viện“ đã được tổ chức với sự tham gia của 95 nghị sỹ bao gồm 56 đại biểu Pháp, 28 đại biểu Anh, 5 đại biểu Italia và Bỉ, Đan Mạch, Hungary, Liberia, Tây ban Nha, Hoa Kỳ mỗi nước một đại biểu. Tới năm 1892, Hội nghị được đổi tên thành “Hội nghị liên Nghị viện về vấn đề Trọng tài quốc tế” đã phản ánh tính thử nghiệm của nó. Trải qua sự thử nghiệm của thời gian, 10 năm sau Hội nghị được đổi tên thành “Liên minh Nghị viện thế giới về Trọng tài quốc tế”. Mãi đến năm 1908, tên ngắn gọn “Liên minh Nghị viện thế giới” mới chính thức được ghi vào quy chế.

 

Hiện thực hoá

 

Năm 1894, Điều lệ đầu tiên của Hội nghị Liên nghị viện đã được thông qua. Điều lệ này quy định cơ cấu tổ chức của Hội nghị gồm: Đại hội đồng, cơ quan chính trị của Liên minh; Hội đồng Đại biểu với hai thành viên của mỗi nhóm Nghị viện; Văn phòng, với một đại diện của mỗi nhóm, là cơ quan quản lý và điều hành và một Chủ tịch điều hành Văn phòng. Ngày nay, thực hiện những nhiệm vụ này do Đại hội đồng (cơ quan chính trị), Hội đồng Điều hành (cơ quan điều hành), Ban Chấp hành và Ban Thư ký (phân chia nhiệm vụ, quản lý và điều hành) và Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (người đứng đầu tổ chức chính trị và đương nhiên là Chủ tịch Hội đồng Điều hành).

 

Trong những năm 1970 và 1990, Liên minh sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các Quy chế làm cơ sở pháp lý củng cố và mở rộng cơ cấu tổ chức và hoạt động của mình. Năm 1989 Liên minh thông qua Quy chế và Thủ tục của Ủy ban về quyền con người của các nghị sỹ, năm 1999, thông qua Quy chế về Hội nghị Nữ nghị sỹ và Quy chế của Ủy ban Điều phối Nữ nghị sỹ.

 

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Liên minh tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều lệ và các Quy chế về Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, các Ủy ban Thường trực, Ban Chấp hành và Ban Thư ký.

 

Năm 2014, Liên minh thông qua Quy chế và Quy định về hoạt động của Diễn đàn Nghị sỹ trẻ Liên minh Nghị viện Thế giới, tạo điều kiện thực hiện các quyết định và khuyến nghị của Liên minh về "sự tham gia của thanh niên trong quá trình dân chủ". Điều này thể hiện sự mở rộng và đa dạng hóa sự hiện diện của các nghị sỹ trẻ tại Đại hội đồng và các cuộc họp của Liên minh.

 

Cam kết vững chắc

 

Qua hơn 125 năm hình thành và phát triển, số lượng các nghị viện thành viên của Liên minh qua các thời kỳ không ngừng được tăng lên, thể hiện sự phát triển của tổ chức này. Ban đầu, IPU chỉ có 9 nghị viện thành viên chủ yếu là các nước châu Âu, và có Hoa Kỳ (châu Mỹ) và Liberia (châu Phi). Đến năm 1908, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở châu Á và năm 1913 và Úc là quốc gia đầu tiên ở Nam Thái Bình Dương tham gia Liên minh. Như vậy đến thời kỳ này Liên minh đã hội đủ “đại diện” của 5 châu lục. Do nhu cầu tăng cường liên kết, hợp tác đa phương phấn đấu vì hòa bình, phát triển đã tác động mạnh mẽ tới việc mở rộng thành viên của Liên minh. Đến tháng 10 năm 2014, Liên minh có 166 nghị viện thành viên (trong số 189 quốc gia trên thế giới) và 10 Hội đồng Nghị viện khu vực là thành viên liên kết.

 

Trong hơn 125 năm hình thành và phát triển, Liên minh Nghị viện Thế giới đã góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ hoà bình, giải quyết xung đột giữa các quốc gia bằng hình thức trọng tài quốc tế và trung gian hoà giải, nhằm củng cố hòa bình, thúc đẩy đối thoại, phát triển luật pháp quốc tế và đẩy mạnh dân chủ.

 

Trong những năm 1970 và 1980, Liên minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa dịu ở châu Âu, thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai khối Đông - Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1997, Liên minh đã thông qua Tuyên ngôn về Dân chủ, xác định các tiêu chí cho Nghị viện dân chủ là:“đại diện, minh bạch, dễ tiếp cận, có trách nhiệm và hiệu quả”. Ngoài ra, Liên minh đã triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, tăng cường kết nối toàn cầu, đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hợp tác với các tổ chức quốc tế…

 

Trong bối cảnh phát triển ngày nay của thế giới, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự vẫn liên tiếp xảy ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Âu v.v. Đặc biệt  gần đây, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) mới xuất hiện với nhiều hoạt động khủng bố dã man trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Ngăn ngừa chiến tranh, chiến đấu chống khủng bố - kẻ thù chung của nhân loại và gìn giữ hòa bình sẽ vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với Liên minh Nghị viện Thế giới. Ngoài ra, việc đảm bảo sự kết nối với cử tri, đảm bảo quyền con người, bình đẳng giới, quá trình thúc đẩy quản trị tốt và tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên minh vẫn còn là những thách thức đang đặt ra.

 

Nền dân chủ quốc tế đã tiến triển đáng kể từ năm 1889, phần lớn là do Liên minh Nghị viện Thế giới đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ thiết lập các hình thức quản trị dân chủ ở các cấp quốc gia và quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Liên minh đã thể hiện cam kết chắc chắn nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, dân chủ, nhân quyền và phát triển bền vững. Trong một thế giới đang thay đổi, hơn 125 năm sau kể từ khi Liên minh Nghị viện Thế giới ra đời, tầm nhìn của các nhà sáng lập Liên minh vẫn còn nguyên giá trị và đúng đắn hơn bao giờ hết.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang