Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:01:27 GMT+7

Tin đăng lúc 10-01-2016

Lượt xem: 3738

Indonesia: Khẳng định khả năng cung cấp than cho Việt Nam

Hiện nay, trên thế giới nguồn than bitum và á bitum – loại than có độ tro thấp, nhiệt trị cao, phù hợp cho các nhà máy điện không nhiều. Ở châu Á, Indonesia nổi lên là quốc gia có trữ lượng than bitum và á bitum lớn với công nghệ khai thác, chế biến hiện đại và kinh nghiệm nhiều thập kỷ về xuất khẩu loại than này.
Indonesia: Khẳng định khả năng cung cấp than cho Việt Nam
Sử dụng than trộn trong nước và than nhập khẩu trong các nhà máy nhiệt điện giúp tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường

Khả năng cung ứng than bitum và á bitum của Indonesia

 

Ông Bachrul Chaiki – Tổng cục trưởng Tổng cục Thương mại quốc tế - Bộ Thương mại Indonesia – cho biết, Indonesia có trữ lượng than đứng thứ 6 trên thế giới với khoảng gần 1.160 tỷ tấn, trong đó, chủ yếu là than bitum và á bitum, có thể khai thác, sử dụng trong nước và xuất khẩu liên tục trong 80 năm nữa.

 

Ông Eddy S. Wibowo - Chủ tịch Liên danh các nhà xuất khẩu than Indonesia – Việt Nam (IVCEC)- cho hay, hiện toàn cầu có 1.579 nhà máy phát điện chạy bằng than và dự kiến sẽ có trên 2.000 nhà máy nhiệt điện được xây dựng trong thời gian tới. Vì vậy, lượng tiêu thụ than trên toàn cầu sẽ rất lớn, trong đó có Việt Nam.

 

Trong khi nhu cầu than trên thế giới rất lớn thì nguồn cung đang có xu hướng giảm dần do quá trình khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, Indonesia vẫn là một trong những nước có nguồn than dồi dào. Theo số liệu tổng hợp, trong năm 2014, quốc gia này đã xuất khẩu 450 triệu tấn than, các thị trường chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc, riêng Việt Nam nhập 1,5 triệu tấn từ Indonesia.

 

Bên cạnh đó, ngành than của Indonesia có công nghệ khai thác, chế biến hiện đại, cùng với nhiều cảng biển chuyên dụng cho xuất khẩu than, đặc biệt cảng Kalimentan với hệ thống kho bãi, thiết bị bốc dỡ và đội tàu hiện đại. Đây là những lợi thế của Indonesia trong khai thác, chế biến và xuất khẩu than chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.

 

Nên chọn nhập khẩu than từ Indonesia?

 

Theo ông William Riyadi – đại diện (IVCEC), than Indonesia khá phong phú nhưng đa số là than bitum và á bitum. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, hầu hết các nhà máy nhiệt điện của quốc gia này đều sử dụng than trộn làm nhiên liệu, thậm chí, có nhiều nhà máy phối trộn đến 10 loại than khác nhau. Việc sử dụng than phối trộn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao tính cạnh trạnh giá thành điện, mà còn giúp bảo vệ môi trường và hỗ trợ phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

 

Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện VII, sẽ có 61 dự án nhiệt điện than phải xây dựng với tổng công suất là 71.710MW, từ đó, tính ra nhu cầu than của ngành Điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn. Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành, than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 thì sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2020 chỉ đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Do đó, để giải quyết nguồn than cho ngành Điện không còn con đường nào khác là phải nhập khẩu.

 

Hơn nữa, than của Việt Nam là loại than antraxit có độ tro khá cao và độ bốc (nhiệt trị) không cao. Nên việc phối trộn với than nhập khẩu để tăng hiệu quả kinh tế cho các nhà máy nhiệt điện chạy than là cần thiết.

 

Trước thực trạng đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xác định 4 đối tác nhập khẩu than là: Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi. Đặc biệt, Indonesia là quốc gia có điều kiện địa lý gần Việt Nam và là thành viên của Asean.

 

 

PGS.TS Trương Duy Nghĩa:

 

Các nhà máy nhiệt điện đang đốt than antraxit trong lò hơi đốt than bột có thể chuyển hẳn sang đốt than trộn lâu dài nhưng không cần trang bị thêm hoặc có những cải tạo lớn cho thiết bị.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang