Thứ Sáu, 29/03/2024 04:49:08 GMT+7

Tin đăng lúc 13-03-2023

Lượt xem: 1116

Huyện Thanh Trì: Những điểm nhấn trong phong trào xây dựng NTM nâng cao

Đến nay, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã hoàn thành thẩm định nông thôn mới (NTM) đối với 15 xã. Chương trình xây dựng NTM đã tạo những chuyển biến quan trọng đối với kinh tế – xã hội tại các địa phương, trong đó có nhiều điểm nhấn ấn tượng.
Huyện Thanh Trì: Những điểm nhấn trong phong trào xây dựng NTM nâng cao
Trụ sở UBND xã Hữu Hòa được xây dựng mới, khang trang

Cơ sở hạ tầng được đầu tư

 

Mới đây 8 xã của huyện Thanh Trì, (gồm: Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Thanh Liệt, Hữu Hoà, Tam Hiệp, Tân Triều và Tả Thanh Oai) đã được Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội đánh giá, thẩm định đủ điều kiện đạt xã NTM nâng cao. Như vậy, 15/15 xã của huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, huyện Thanh Trì đã hoàn thành trước 02 năm so với kế hoạch. “Đây là những nỗ lực, cố gắng không hề nhỏ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã của huyện Thanh Trì”, (Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá).

 

Điều thay đổi dễ nhận thấy ở các xã là trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang, đường xá rộng rãi, được thảm nhựa, bê tông; đường làng, ngõ xóm xanh, sạch hơn; đường nội đồng được cứng hóa. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, vẽ tranh tạo cảnh quan sinh động. Các thôn đều có nhà văn hóa riêng, trở thành nơi sinh hoạt, hội họp của bà con nhân dân. Trường học được quy hoạch phù hợp, xây dựng mới với cơ sở vật chất đạt chuẩn cấp quốc gia. Nhiều điểm được bố trí sân chơi, sân tập ngoài trời,…Đời sống nhân dân được nâng lên, nhà cửa của các hộ dân khang trang,…Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các HTX, các làng nghề được chính quyền tâm hỗ trợ phát triển. Các sản phẩm OCOP của các địa phương được nâng tầm, khẳng định được thương hiệu,...

 

 

 Bộ mặt đô thị hiện đại, phát triển của xã Thanh Liệt đang hình thành trong lộ trình từ xã lên phường

 

Đơn cử như xã Thanh Liệt, 2950m đường trục xã, liên xã đã được bê tông hóa; 12.090m tuyến đường trục thôn, liên thôn với bề mặt đường rộng từ 5,5 – 13,5m đã được bê tông hóa, nhựa hóa theo chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải và có các hạng mục cần thiết như: Biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh,... 14.000m đường ngõ, xóm đã được bê tông hóa, có hệ thống rãnh thoát nước đảm bảo giao thông và vệ  sinh môi trường. Ngoài ra, 2.100m đường nội đồng cũng đã được bê tông hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất của nhân dân,…

 

 

Xã Tam Hiệp được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông,  nhà văn hóa, hệ thống ao hồ tạo cảnh quan. Trong tương lai, sau khi hoàn thành các hạng mục đầu tư, bộ mặt xã sẽ đổi mới hoàn toàn, tạo đà cho kinh tế phát triển

 

 Mô hình nông nghiệp, chợ, làng nghề

 

 

Công Viên thực vật cảnh Việt Nam là nơi trải nghiệm thú vị về hệ thống thực vật trong và ngoài nước. Đây là một không gian xanh, trong lành hiếm có, đáng đến trong lòng thành phố

 

Xã Tam Hiệp có mô hình trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao: Công viên thực vật cảnh Việt Nam với diện tích 5ha. Đây là nơi trồng, lưu giữ khoảng gần 2.000 lại cây khác nhau với nhiều loại cây hoa, cảnh cảnh, cây thuốc quý,… có nguồn gốc ở trong và ngoài nước. Hiện nay, Công viên thực vật cảnh Việt Nam đang xây dựng mô hình thăm quan, trải nghiệm cho các cháu học sinh. Bên cạnh việc thăm, tìm hiểu về các loại cây, hoa, các cháu học sinh sẽ được trải nghiệm thêm các trò chơi dân gian như: Nhảy sạp, bịt mắt bắt vịt, nặn đất, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ,... Các hoạt động này đều gắn liền với thiên nhiên nhằm mục đich giáo dục trẻ yêu và trân quý những giá trị từ thiên nhiên. Hiện nay, mô hình này đã và đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 người với thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.

 

 

Chợ Thanh Liệt bố trí các khu vực, quầy kệ khoa học, đường đi lối lại thông thoáng. Các quầy bán quần cáo, vàng mã,.. đều được trang bị bình phòng cháy, không còn hoạt động lập bàn thờ, thắp hương tại các quầy hàng này

 

Xã Thanh Liệt có mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Chợ Thanh Liệt, xã Thanh Liệt được xây dựng năm 2013 trên diện tích 4.155m2. Chợ có các hạng mục cơ bản đáp ứng được công tác an toàn thực phẩm; có 40 hộ kinh doanh đực xác nhận cấp biển nhận diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ đáp ứng điều kiện ATTP; các khu vực kinh doanh thực phẩm được bố trí tách biệt. Chợ đã được thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC năm 2022.

 

Xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì có làng miến dong Phú Diễn nổi tiếng với truyền thống sản xuất hơn nửa thế kỉ qua. Miến dong Hữu Hòa được sản xuất bằng 100% bột dong cùng với bí quyết sản xuất riêng nên sản phẩm có chất lượng cao, hương vị độc đáo, đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2012, làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống chế biến Miến và bánh đa Phú Diễn.

 

 

Miến dong Hữu Hòa là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng

 

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng Phó chủ tịch làng nghề được biết: Hiện nay, làng nghề có khoảng hơn chục hộ sản xuất miến, bánh đa. Trong quá trình sản xuất, các hộ đã áp dụng máy móc ở một số công đoạn giúp giảm công, tăng năng xuất, tăng hiệu quả lao động. Sản phẩm miến dong hữu hòa được các hộ đưa đi kiểm nghiệm hàng năm và đều đạt an toàn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong khâu sản xuất như nguồn nguyên liệu, khu vực sản xuất, phơi miến, nhưng được sự cổ vũ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực yêu nghề người làm nghề, sản phẩm miến dong Hữu Hòa vẫn được duy trì và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

Qua đây có thể thấy, Chương trình NTM nâng cao của huyện Thanh Trì đã được triển khai nhanh, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân. Đây là tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục triển khai Chương trình NTM kiểu mẫu.

 

Minh Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang