Thứ Năm, 28/03/2024 19:55:36 GMT+7

Tin đăng lúc 28-05-2017

Lượt xem: 5151

Hỗn loạn thị trường thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng (TPCN) là một cụm từ không còn xa lạ đối với người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chúng đang được bày bán phổ biến tại nhiều cửa hàng, hiệu thuốc, trên mạng internet với đủ các chủng loại và công dụng như bổ não, tốt cho tim mạch, gan, mắt, xương, khớp, thoái hóa cột sống, giảm cân, các loại mỹ phẩm làm đẹp,...
Hỗn loạn thị trường thực phẩm chức năng
Thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam, hỗn loạn về chất lượng và giá cả

Tuy nhiên, hiện nay thị trường TPCN đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được bán ra kèm theo những quảng cáo “thổi phồng” về công dụng sản phẩm khiến người tiêu dùng rơi vào một “ma trận” mà không biết lối ra.

         

Xuất phát từ nguyên nhân TPCN không bị bắt buộc phải kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc chữa bệnh, nên nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kể cả các DN nhập khẩu đã lách các cơ quan quản lý về quy định công bố định lượng của sản phẩm. Từ đó các DN và người bán đã nói vống lên những công dụng của sản phẩm, dùng nhiều chiêu trò quảng cáo không đúng với nội dung được cấp phép, không đúng với chất lượng, hiệu quả của các loại TPCN; kể cả việc sử dụng những hình ảnh, thông điệp gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng giữa TPCN và thuốc chữa bệnh.

         

Nắm bắt được nhu cầu về làm đẹp của chị em phụ nữ, các dòng TPCN giảm cân được bán “rộ” qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, twitter, zalo, website… với nhiều chủng loại. Riêng trà giảm cân đã có tới hàng trăm sản phẩm ghi xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Chị Như Quỳnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Qua bạn bè tư vấn, tôi đã mua TPCN trà thảo dược giảm cân qua mạng, trong quá trình sử dụng, tháng đầu tiên tôi giảm 5kg, tuy nhiên, trong thời gian sử dụng cơ thể tôi xuất hiện nhiều triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, chán ăn, mất ngủ, xạm da… Thấy nhiều biểu hiện bất thường, tôi dừng uống trà và đi khám bác sỹ thì được biết tôi đã bị rối loạn tiêu hóa và có dấu hiệu suy nhược cơ thể. Hiện giờ, tôi đang phải thực hiện các chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như rèn luyện thể thao để phục hồi sức khỏe”.

         

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh chứ không có tác dụng chữa bệnh. TPCN sẽ tốt cho người dùng nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sỹ. Còn nếu hiểu TPCN là vô hại, hay coi đó là thần dược rồi dùng quá liều và trong thời gian dài thì ngoài việc tốn kém về kinh tế còn mang lại không ít những tác hại như rối loạn quá trình trao đổi chất trong cơ thể do dư thừa nhiều loại chất dinh dưỡng; làm tăng đường huyết, men gan, mỡ máu…; đẩy mạnh quá trình lão hóa của cơ thể.

         

Mặc dù, hiện nay nước ta đã có những quy định về quản lý thị trường TPCN như Nghị định 38 (2012), Nghị định 67 (2016), Nghị định 43 (2017) của Chính phủ và Thông 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế, song do lợi nhuận kinh doanh cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, do đó thị trường còn tồn tại nhiều loại TPCN không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định về an toàn chất lượng… Trước tình trạng rối loạn về giá cả và chất lượng sản phẩm TPCN như hiện nay thì bên cạnh việc các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiết nghĩ, không có cách nào khác ngoài việc người tiêu dùng phải tỉnh táo trước những thông tin được quảng cáo trên các trang mạng xã hội; nên có kiểm chứng về cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý của sản phẩm trước khi mua hàng. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng khi bản thân không hiểu rõ về sản phẩm….

 

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trong các vi phạm về hoạt động kinh doanh TPCN, quảng cáo là vi phạm thường gặp nhất. Quý I/2017, trong số gần 30 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, thì số công ty bị xử phạt vi phạm về quảng cáo TPCN chiếm gần một nửa. Ngoài khó khăn trong việc quản lý quảng cáo TPCN, một vấn đề khác cũng khiến nhà quản lý và người tiêu dùng đau đầu, đó là giá thành các loại thực phẩm chức năng rất đắt, có loại bán với giá cao hơn giá thuốc chữa bệnh. Hiện nay, nhiều DN đang lợi dụng TPCN với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị, bảo vệ sức khỏe để bán sản phẩm với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, có hành vi lừa đảo người tiêu dùng. 

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang