Thứ Năm, 18/04/2024 18:09:36 GMT+7

Tin đăng lúc 25-12-2017

Lượt xem: 3204

Hơn 150 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thời trang Việt Nam - VIFF 2017

Hội chợ Thời trang Việt Nam - VIFF 2017 được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) dưới sự bảo trợ của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công thương. VIFF 2017 do Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Vefac), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Hiệp hội Da – giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) phối hợp tổ chức.
Hơn 150 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thời trang Việt Nam - VIFF 2017
Hội chợ Thời trang Việt Nam - VIFF 2017.

VIFF 2017 thu hút 150 doanh nghiệp hàng đầu chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt may cùng nhiều đơn vị trong ngành da giày, mỹ phẩm và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại hơn 200 giam hàng. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam tiếp tục giới thiệu những sản phẩm mới cùng hàng loạt các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn nhất trong năm như các tổng công ty cổ phần: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Dệt kim Đông Xuân, Đức Giang, Dệt may Hòa Thọ. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của các thương hiệu uy tín như: Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, Công ty TNHH Việt Khánh Phú - KHATOCO, Công ty xuất nhập khẩu may mặc Quế Lâm.

 

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu đề ra với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, thị phần sản xuất hàng nội địa của ngành dệt may Việt Nam chiếm hơn 10% tổng năng lực sản xuất với khoảng hơn ba tỷ USD. Ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh công bằng và sòng phẳng với tất cả các thương hiệu thời trang khác tại thị trường nội địa bằng việc xây dựng thương hiệu, bản sắc của văn hóa Việt và tự tin mình sẽ làm tốt bởi không ai hiểu người Việt Nam bằng chính người Việt Nam.

 

Hiện nay, các thương hiệu thời trang Việt Nam đã sở hữu khoảng 5.000 đến 6.000 các điểm bán hàng trên toàn quốc. Với việc tập trung vào phát triển nghiên cứu, phát triển các mẫu thiết kế, chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ riêng cho thị trường trong nước, các doanh nghiệp lớn trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã sở hữu những thương hiệu riêng của mình như Grusz (May 10); SanSciaro, Manhattan của Việt Tiến; Mollis (Phong Phú); Mattana, Novelty (Nhà Bè); Merriman (Hòa Thọ); Hera DG, S-Pearl (Đức Giang)…

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hằng năm, bình quân mỗi người Việt Nam bỏ ra 50 USD để mua sắm quần áo, trong khi đó mức tiêu thụ dệt may bình quân đầu người Thái-lan là 108 USD, con số này tại Trung Quốc là 97 USD/người, Philippines là 90 USD/người và bình quân trên toàn thế giới là 153 USD. Như vậy có thể thấy, tiềm năng tiêu thụ hàng dệt may tại thị trường Việt Nam còn rất lớn trước khi đạt mức bình quân trong khu vực hay ngưỡng bão hòa.

 

Hội chợ diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-12.

 

Nguồn Nhandan


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang