Thứ Sáu, 29/03/2024 21:58:10 GMT+7

Tin đăng lúc 20-10-2018

Lượt xem: 1797

Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp”

Ngày 19 tháng 10 năm 2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp”
Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp”
Toàn cảnh Hội thảo

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia và Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có Bà NguyễnThị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; Ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng biên tập Báo Công Thương; lãnh đạo Cục QLTT các tỉnh miền Nam, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông...

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cho biết với chức năng của mình, trong 4 năm qua, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia đã chủ động nắm bắt tình hình, nhận diện các hành vi vi phạm và tham mưu Thủ tướng, Trưởng BCĐ 389 quốc gia xây dựng các chỉ thị, nghị quyết nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, tuy nhiên, tình hình thực tế diễn ra với số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn gia tăng hàng năm và diễn biến ngày càng phức tạp. Đồng thời Ông cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến cho vấn nạn hàng gian, hàng giả chưa được loại trừ và gây nhức nhối cho xã hội.

 

Tại Hội thảo, Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hiện nay tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là quốc nạn, gây bức xúc và tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và môi trường đầu tư. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

 

Mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm bao gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử...

 

Năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.

 

“Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên nhưng nhìn chung, công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường; công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn”, ông Linh nhìn nhận.


Đồng quan điểm nêu trên, Ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh nêu lên một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nnhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội. Đối với hình thức gian lận này, theo ông Bách, các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử “tinh vi” và còn phức tạp hơn nhiều.

 

Nhiều cuộc kiểm tra tại một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các tuyến đường kinh doanh đã thu giữ rất nhiều hàng xa xỉ giả hiệu đắt tiền; các đối tượng bị kiểm tra hầu hết là tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết không buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nhưng do có lợi nhuận rất cao và hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, công tác quản lý của lãnh đạo các Trung tâm thương mại, Ban quản lý chợ chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng hàng giả vẫn còn được bày bán công khai.

 

Cần giải pháp mạnh đủ sức răn đe

 

Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Ông Bùi Thế Chuyên cho biết việc sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng diễn ra hết sức tinh vi, với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Họ đánh vào sự hám lợi của các đại lý, cửa hàng mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả và tạo cơ hội để tình trạng gian lận phát triển. Để hạn chế phân bón giả, kém chất lượng, ông Chuyên cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động để bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ sản phẩm do mình sản xuất. Liên kết chặt chẽ với hệ thống khách hàng, đại lý, tăng cường công tác phát hiện và hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý tận gốc hàng gian, hàng giả.

 

Đại diện Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) cho biết các gian lận trong kinh doanh ắc quy chủ yếu dưới các hình thức khai gian thuế nhập khẩu, gian lận bán hàng để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, không đảm bảo chất lượng và bảo hành sản phẩm, không thu hồi sản phẩm bỏ theo quy định. Để đảm bảo công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chất lượng ắc quy nhập khẩu để đảm bảo chất lượng thực của sản phẩm đúng với công bố trên bao bì và phù hợp các yêu cầu về an toàn, môi trường như đối với các sản phẩm sản xuất trong nước.

 

Ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ: ngoài các doanh nghiệp tự cứu mình, các cơ quan chức năng cần xem xét lại đối với chế tài xử lý hàng giả vì khung hình phạt hiện nay quá nhẹ theo hình thức tăng nặng để đủ sức răn đe. Mặc khác, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải đưa ra những giải pháp chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cụ thể và chặt chẽ để tiến tới rút giấy phép, xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm lớn.

 

Ngoài các giải pháp trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái.

 

Kết thúc Hội thảo, ông Trần Hữu Linh đánh giá, Hội thảo đã mở ra nhiều vấn để rất nóng về thực trạng tồn tại của hàng giả, hang nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ và vấn nạn này đang gây nhức nhối cho xã hội. Theo ông Linh, trên thị trường gần như mặt hàng nào cũng bị làm giả, nhái thương hiệu. Tại Hội thảo các giải pháp đã được nhận diện rất rõ, công tác phổ biến pháp luật, tuyên truyền cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, phương thức thực hiện các giải pháp cần phải xem xét lại, những vấn đề gì cần thay đổi, kể cả cơ chế chính sách để những chế tài phải đủ sức răng đe nhằm không để hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhân rộng.

 

Tổng cục Quản lý thị trường

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang