Thứ Tư, 24/04/2024 23:46:21 GMT+7

Tin đăng lúc 21-07-2019

Lượt xem: 918

Hội nghị ban chấp hành VCCI lần thứ 10, khoá VI: Doanh nghiệp Việt thiếu hay yếu?

Tại Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) VCCI lần thứ 10 khoá VI vừa diễn ra, một lần nữa các thành viên BCH khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Hội nghị ban chấp hành VCCI lần thứ 10, khoá VI: Doanh nghiệp Việt thiếu hay yếu?

Tại Hội nghị Ban Chấp hành (BCH) VCCI lần thứ 10 khoá VI, một lần nữa các thành viên BCH khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cải cách, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng...


Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, 6 tháng đầu năm cả nước có 67.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bên cạnh đó có 21.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp 6 tháng đầu năm lên gần 88.600 nghìn doanh nghiệp.

 

Minh bạch là cách tốt nhất để bảo vệ doanh nghiệp yếu thế

 

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình tăng trưởng chung đang chậm lại, theo dự báo tăng trưởng giảm trong những tháng cuối năm, nhưng theo TS Vũ Tiến Lộc, việc doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng mạnh hơn cho thấy xu hướng kinh doanh tích cực và có nhiều tín hiệu lạc quan. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA... sẽ góp phần thúc đẩy cải cách thể chế trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vướng mắc bắt nguồn cả từ thể chế và thực thi.

 

Mặt khác, năng lực quản trị của các doanh nghiệp Việt còn thấp so với tương quan các nước ASEAN. Khảo sát chỉ số quản trị các công ty niêm yết trong 6 nước ASEAN, Việt Nam xếp cuối. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ 104 trong số 140 nền kinh tế - khảo sát trong báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới.

 

Theo Chủ tịch VCCI, tốc độ cải cách mà cộng đồng doanh nghiệp có thể cảm nhận được còn chưa đạt yêu cầu, còn nhiều vướng mắc, trước hết là sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Qua rà xét bước đầu các Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Môi trường... đã phát hiện ít nhất 20 điểm xung đột, bất cập giữa các văn bản luật. Trước đây, các xung đột pháp luật ở khâu thực thi có giải pháp “vận dụng”, còn nay, khi gặp các xung đột pháp lý, các cơ quan có biểu hiện cho giải pháp an toàn, đẩy đi đẩy lại không ai dám quyết. Cho nên tập trung giải quyết các xung đột pháp lý đã trở thành một yêu cầu bức thiết.

 

Một điểm sáng của VCCI trong thời gian qua được dư luận đánh giá cao là vai trò thúc đẩy đàm phán, ký kết về kỹ thuật FTA, nhất là CPTPP và EVFTA. VCCI đã để lại nhiều dấu ấn, có những lúc, khi các cơ quan chức năng còn băn khoăn, do dự thì VCCI đã có tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy 2 Hiệp định này. “VCCI luôn quan niệm các FTA thế hệ mới không chỉ mở rộng thương trường mà còn là động lực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước” - Chủ tịch VCCI nói.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 67.000  doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bên cạnh đó có 21.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Liên quan tới Vấn đề Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Chủ tịch VCCI đặt câu hỏi, hiện nay ở Việt Nam doanh nghiệp thiếu hay yếu? “Quan điểm của VCCI là chúng ta không thiếu doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp của chúng ta đang yếu. Các hộ kinh doanh hiện nay hiện bản thân họ là các thực thể kinh doanh, chỉ có điều họ đang bị đặt ra ngoài Luật Doanh nghiệp, họ chưa có được một hành lang pháp lý an toàn. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp mới không thể chỉ của hơn 700.000 doanh nghiệp mà còn cả hàng triệu hộ kinh doanh. Nhưng tất nhiên, quy định có hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp cần phải chứa kỹ thuật đơn giản, không đề thêm gánh nặng thủ tục và chi phí tuân thủ cho họ” TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: Minh bạch chính là phương thức tốt nhất để bảo vệ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - những đối tượng “yếu thế” hơn trong cạnh tranh.

 

Thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

 

Theo đánh giá của các thành viên BCH, các hoạt động của VCCI ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, rất nhiều hoạt động của VCCI đã ghi dấu ấn không chỉ với nền kinh tế nói chung mà còn của từng địa phương nói riêng. Đơn cử, sau ngày công bố PCI 2018 vào cuối tháng 3 vừa qua, VCCI đã đẩy mạnh việc tư vấn cho các địa phương về sử dụng và phát huy hiệu quả của PCI. Đặc biệt VCCI đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động của VCCI thực hiện nghị quyết 02 của Chính phủ trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng tới 2021.

 

Hay như việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ –CP, VCCI đã triển khai thực hiện đầy đủ 5/5 nhiệm vụ được giao. Đáng ghi nhận là VCCI đã trực tiếp tập hợp từ các kênh thông tin được 404 kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước. Nhờ đó, các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết trả lời 250 kiến nghị (chiếm 61,9%). Đáng mừng là các hoạt động đó đã không uổng công, qua khảo sát của VCCI đối với việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành cho thấy có 48,57% doanh nghiệp hài lòng, 14,29% doanh nghiệp trả lời rất hài lòng, 31,43% trả lời chưa hài lòng và chỉ có 5,71% không đánh giá.

 

Đóng góp vào “làn sóng” cải cách thủ tục hành chính, VCCI còn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tham gia Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ ngành về các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, VCCI tiếp tục triển khai và thực hiện Nghị quyết 09/BCT-NQ, triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp. Việc ra mắt mạng lưới kế nghiệp quốc gia... không chỉ là sân chơi cho thế hệ kế tiếp mà còn nhằm hỗ trợ quá trình chuyển giao thế hệ thành công trong các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Một hoạt động khác được các thành viên BCH đánh giá cao là xúc tiến thương mại, đào tạo doanh nghiệp. Báo cáo của VCCI nêu rõ hoạt động này đang được VCCI đẩy mạnh thực hiện một cách chuyên nghiệp, thông qua các đoàn khảo sát thị trường, tham dự các hội nghị quốc tế, tìm kiếm cơ hội kinh doanh... Trong đó, phải kể đến việc VCCI triển khai mạnh mẽ Đề án 25 về “Đẩy mạnh hợp tác thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược quan trọng”. Bên cạnh đó, VCCI đã tổ chức hơn 500 khoá đào tạo cho gần 16.000 lượt doanh nghiệp, tổ chức các Festival khởi nghiệp 2019 và phát động chương tình khởi nghiệp 2019.

 

VCCI luôn coi các doanh nghiệp SME là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt, vì lẽ đó trong 6 tháng đầu năm, VCCI đã góp ý 9 dự thảo và tham gia ban soạnh thảo, tổ biên tập xây dựng các chỉ thị, nghị định liên quan tới chính sách phát triển doanh nghiệp SME. Đồng thời, cùng doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, triển khai kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vứng (PTBV)... Điểm đáng chú ý trong công tác đại diện người sử dụng lao động là viêc VCCI lấy ý kiến cũng như tham vấn các chuyên gia giới chủ trên toàn quốc vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, đóng góp ý kiến quan điểm của người sử dụng lao động về việc xem xét việc gia nhập công ước 98 của ILO...

 

Tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập

 

Việt Nam đã ký các FTA như CPTPP, EVFTA... đây là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm giúp kinh tế Việt Nam hội nhập và mở cửa mạnh mẽ. Bởi vậy, VCCI xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp hiểu để tận dụng các cơ hội mà các FTA này mang lại là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI sẽ triển khai trong những tháng tới.

 

Cùng với đó, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các chương trình dự án quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững. Đặc biệt, Đề án hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa VN với các đối tác chiến lược quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ sẽ được đẩy mạnh triển khai, đồng thời sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các Diễn đàn doanh nghiệp và hội đồng kinh doanh giữa VN với các thị trường trọng điểm...

 

VCCI sẽ phối hợp tổ chức một số sự kiện lớn như: Tổ chức đánh giá và công bố Bảng xếp hạng các doanh nghiệp PTBV năm 2019, Hội nghị thượng đỉnh châu Á (ASIA Business Summit), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp VN – Hàn Quốc, Hội nghị toàn quốc về PTBV...

 

Cùng với đó, VCCI tiếp tục triển khai Nghị quyết 09/NQ-BCT, chương trình hành động VCCI thực hiện theo nghị quyết 02/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Chỉ thị 26/CT-TTg... Tăng cường đối thoại, tiếng nói của đại diện VCCI đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp...

 

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những diễn biến khó lường, và ở trong nước, những hạn chế, yếu kém về thể chế, về nguồn nhân lực, về kết cấu hạ tầng... chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai, thời gian tới, với những định hướng nêu trên, chắc chắn VCCI sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang