Thứ Năm, 25/04/2024 21:01:30 GMT+7

Tin đăng lúc 05-12-2018

Lượt xem: 14520

Học người Nhật để thay đổi hàng Việt

Các doanh nghiệp Việt cần tham khảo cách thâm nhập của hàng tiêu dùng Nhật vào thị trường trong nước, từ việc tạo lợi thế cạnh tranh trong khâu quảng bá, kết nối mạng lưới bán lẻ cho đến mẫu mã, chất lượng, khả năng sáng tạo...
Học người Nhật để thay đổi hàng Việt
Hàng Nhật có nhiều lợi thế thâm nhập sâu thị trường Việt

Một cuộc thăm dò cho thấy mặt hàng tiêu dùng Nhật đang dần nổi lên trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt hiện nay.

 

Nếu trước đây, sản phẩm nhập từ Nhật thường được mua chỉ dưới 3%, đến nay đã tăng lên 8 – 10%, nhất là những sản phẩm như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ mẹ và bé có tỷ lệ mua dùng khá cao.

 

Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý "sính hàng ngoại" của người tiêu dùng (NTD) Việt, cần phải kể đến chiến lược thâm nhập thị trường rất căn cơ của doanh nghiệp (DN) Nhật.

 

Tạo lợi thế cạnh tranh

 

Trước hết, DN Nhật tận dụng không gian kết nối NTD Việt với sản phẩm của mình tại các kênh bán lẻ lớn của Nhật Bản như hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, Takashimaya, hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart, 7-Eleven, Ministop…

 

Số cửa hàng tiện ích của Nhật hiện "mọc lên như nấm" ở Tp.HCM và Hà Nội, được cho là tạo ưu thế cho các mặt hàng tiêu dùng nước này có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục NTD Việt.

 

Mặt khác, các DN Nhật còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động "xúc cảm" để thu hút và chinh phục NTD Việt, cùng với đó là sự hỗ trợ cần thiết và hiệu quả từ phía các cơ quan hữu trách của Nhật Bản.

 

Đơn cử như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) vào ngày 4/12 tại Tp.HCM đã tổ chức buổi Kết nối DN ngành hàng tiêu dùng Nhật Bản – GoodGoods Japan 2018 với sự tham dự của 48 nhà sản xuất hàng tiêu dùng tới từ Nhật Bản, nhằm giới thiệu những sản phẩm gia dụng chất lượng cao đến với NTD Việt Nam.

 

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM, chia sẻ các DN Nhật đang tìm lối riêng để thâm nhập sâu vào thị trường Việt, cũng như đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam để tạo lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành của sản phẩm tiêu dùng Nhật.

 

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số DN Nhật cho biết thông qua buổi kết nối, bên cạnh việc xúc tiến bán hàng, nắm bắt thị hiếu NTD nhằm cải tiến sản phẩm về mẫu mã, chất lượng, họ mong muốn được nâng cao hiểu biết của NTD Việt về sự tiện lợi, tốt nhất và mới lạ nhất của các sản phẩm Nhật.

 

Có lẽ, qua sự kiện này cũng như sự thâm nhập của hàng tiêu dùng Nhật hiện nay, các DN Việt nên học hỏi cách làm của DN Nhật từ khâu quảng bá, kết nối, mạng lưới bán lẻ cho đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, khả năng sáng tạo… để hàng Việt có thể thay đổi theo hướng tốt hơn, như hình mẫu từ hàng Nhật.

 

Chẳng hạn, trước khi tiếp cận thị trường Việt từ buổi kết nối này, trang thông tin điện tử của công ty I.PLUNA Co.,Ltd được đăng tải bằng ngôn ngữ của hơn 8 quốc gia. Công ty cũng hướng tới những dòng mỹ phẩm an toàn, chính hãng có thể nhận được sự yêu thích của khách hàng trên thị trường quốc tế.

 

Trong khi đó, công ty TRY COMPANY Co., Ltd cho biết muốn bước ra thị trường thế giới với tư cách là DN vừa và nhỏ sản xuất túi giữ lạnh hàng đầu thế giới. Để làm được điều này, DN luôn cải thiện năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu khắt khe trước hết từ NTD Nhật Bản.


 

Nâng tầm giá trị

 

Công ty Tange Chemical Industry Co.,Ltd (bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tp. Nagoya từ năm 1932) cho biết 70% sản phẩm của mình đã được cấp bằng sáng chế. Công ty này tạo nên sự khác biệt mà công ty khác không có được, đó là năng lực xây dựng chiến lược và khả năng sáng tạo.

 

Hoặc trái cây Nhật cũng là bài học cho trái cây Việt với việc NTD Việt chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mua những loại trái cây đắt tiền nhập khẩu từ Nhật Bản. Đơn cử như dưa hấu vuông của Nhật được bán với giá 4 – 5 triệu đồng/quả, Dâu bạch tuyết Nhật có giá 1,6 triệu đồng/kg.

 

Đặc biệt, trái nho ruby của Nhật được một cửa hàng ở Tp.HCM bán với giá 11 triệu đồng/chùm nặng 800 – 900gram; hồng Nhật Bản về Việt Nam bán với giá 600.000 đồng/ kg, cao gấp 12 lần so với hàng Việt.

 

Những NTD trung lưu ở Việt Nam sẵn lòng chi tiền để mua những loại trái cây nhập từ Nhật này là do độ tươi ngon, bổ dưỡng, an toàn vì được chăm sóc tỉ mỉ, có chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, đóng hộp cẩn thận… trong quá trình vận chuyển theo đường hàng không.

 

Có thể nói, hàng Việt từ những mặt hàng tiêu dùng, gia dụng cho đến nông sản còn phải học hỏi nhiều từ cách làm của người Nhật để nâng tầm giá trị.

 

Điều đó cũng cho thấy, trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của DN, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của NTD thì sẽ trở nên thắng thế, và hàng Nhật là một điển hình.

 

Hàng Nhật "mạnh" vì DN của họ biết tạo lợi thế và có tầm nhìn, còn hàng Việt với các DN Việt thì sao? Ông Hisatsugu Furukawa, Tư vấn trưởng dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết có nhiều yếu tố mà các DN vừa và nhỏ của Việt Nam cần cố gắng giải quyết.

 

"Họ chưa có một chiến lược dài hạn hay nhìn rõ định hướng phát triển của bản thân DN trong tương lai. Chẳng hạn như DN sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào, sẽ tiến bước đến vị thế như thế nào thì họ còn lúng túng xác định hướng đi tiếp theo của mình", ông Hisatsugu nói.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang