Thứ Năm, 28/03/2024 19:19:32 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2020

Lượt xem: 1098

Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ cho ngành Dệt may tại Thái Nguyên phát triển

Là trung tâm may mặc xuất khẩu của các tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã xác định dệt, may là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ cho ngành Dệt may tại Thái Nguyên phát triển
Máy cắt vải đa năng có thể cắt được nhiều loại vải và nhiều lớp vải cùng một lúc

Do vậy, để phát triển ngành theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) Thái Nguyên đã và đang tập trung hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã may công nghiệp trên bịa bàn ứng dụng các máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Trong đó, phần đông đều có quy mô vừa và nhỏ, chỉ có một số ít doanh nghiệp có quy mô lớn với những dây chuyền sản xuất hiện đại như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP May Thành Hưng, Công ty CP May xuất khẩu Phú Lương… Sự phát triển của ngành công nghiệp may đã tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn công nhân với mức thu nhập đạt từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Không những thế, ngành may mặc còn đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng cao và giữ được tỷ lệ tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 300 triệu USD, tăng trưởng 22,4% so với năm liền kề trước đó.

 

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn của ngành may mặc tỉnh Thái Nguyên hiện nay là nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ vẫn chậm đổi mới, cũng như sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng, sản phẩm làm ra chưa thể đạt được chất lượng tốt nhất…, dẫn đến chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận thu về cho doanh nghiệp không cao. Trước thực tế đó, thời gian qua, TTKC Thái Nguyên đã tập trung phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các huyện, thị, thành phố để triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.

 

Đến nay, nhiều đơn vị đã mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị mới được đầu tư. Đặc biệt, trước khi triển khai thực hiện đề án, các doanh nghiệp đều được TTKC Thái Nguyên tư vấn kỹ lưỡng, cung cấp những thông tin về trang thiết bị, máy móc để Đơn vị chủ động sử dụng nguồn vốn hợp lý, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, công nghệ mới phục vụ sản xuất may mặc. Có thể nói, đây là hoạt động rất thiết thực, qua đó, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã từng bước thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hiện đại để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

 

TTKC Thái Nguyên đã và đang tập trung hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã may công nghiệp trên địa bàn tỉnh

 

Điển hình như tại Hợp tác xã may công nghiệp Tân Bình Minh (xóm Thanh Xuyên, xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên), sau một thời gian nghiên cứu, Hợp tác xã nhận thấy sự cần thiết việc phải đầu tư, tiếp tục mua sắm mới hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại trong sản xuất hàng may mặc để nâng cao năng suất, cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm trang thiết bị là hết sức khó khăn, nhưng nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ hơn 80 triệu đồng của TTKC Thái Nguyên thì đến nay, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng để mua thêm 01 máy cắt mẫu đa năng mới 100% với model: GM-1512M3-1. Do là thiết bị hiện đại nên máy cắt mẫu đa năng có nhiều ưu điểm vượt trội như: Có độ chính xác cao trong quá trình cắt vải, tiết kiệm chi phí sửa chữa; Đường cắt vải đẹp, mịn; Cắt được nhiều loại vải và nhiều lớp vải cùng một lúc; Máy hoạt động rất tiết kiệm điện năng…

 

Ông Phạm Trường Sinh - Giám đốc Hợp tác xã may công nghiệp Tân Bình Minh chia sẻ: "Từ khi Hợp tác xã chúng tôi được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư mới máy cắt vải đa năng thì hiệu quả kinh tế do thiết bị mới đem lại rất lớn. Do sản phẩm làm ra có chất lượng cao và mẫu mã đẹp nên đơn hàng, cũng như giá bán của hàng hóa khi xuất khẩu sang các nước cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay, Hợp tác xã đã tạo thêm việc làm cho 105 lao động địa phương với mức lương bình quân ổn định. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, TTKC Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho Hợp tác xã Tân Bình Minh".

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc TTKC Thái Nguyên chia sẻ: Từ sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Hợp tác xã may công nghiệp Tân Bình Minh đã hoàn thiện hệ thống dây chuyền may mặc hiện đại với quy trình khép kín. Theo tính toán của Trung tâm, việc Hợp tác xã Tân Bình Minh ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất sẽ giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra. Từ đó, uy tín, thương hiệu của đơn vị trên thị trường dần được nâng lên, cũng như tạo điều kiện hạ thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc mới, Hợp tác xã đã nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước.

 

Có thể khẳng định, qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, cán bộ làm công tác khuyến công của TTKC Thái Nguyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Qua đó, tiếp đà bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành Công Thương trong tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP.

 

Nhuận Trí


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang