Thứ Sáu, 26/04/2024 03:08:11 GMT+7

Tin đăng lúc 13-11-2015

Lượt xem: 4353

Hoang mang trước thông tin cua, ghẹ tiêm chất bảo quản

Hiện nay, một số trang mạng xã hội, facebook đang lan truyền hình ảnh tiêm thuốc bảo quản vào cua, ghẹ để giữ tươi lâu khiến dư luận hoang mang. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo việc thường xuyên ăn phải cua, ghẹ… tiêm hóa chất bảo quản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hoang mang trước thông tin cua, ghẹ tiêm chất bảo quản
Hình ảnh Cua bơm thuốc được lan truyền trên mạng xã hội

Hiện nay, một số trang mạng xã hội, facebook đang lan truyền hình ảnh tiêm thuốc bảo quản vào cua, ghẹ để giữ tươi lâu khiến dư luận hoang mang. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo việc thường xuyên ăn phải cua, ghẹ… tiêm hóa chất bảo quản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

 

Tin đồn làm người buôn cua, ghẹ điêu đứng

 

Ngay sau khi phát tán trên mạng xã hội, hình ảnh này đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Nhiều người cho rằng, đây chỉ là thông tin bịa đặt, thiếu chính xác nhằm gây ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang, lo lắng: “Sao họ có thể độc ác đến thế. Đúng là xã hội càng hiện đại, con người càng lắm chiêu trò. Thế này có cẩn thận đến mấy cũng không lại, xem ra chỉ còn cách nhịn ăn”, một thành viên có nick name Lan Kun’s bình luận. Có người còn sợ đã mắc bệnh vì hay ăn món này: “Tháng nào nhà tôi cũng làm vài bữa ghẹ, kiểu này không khéo…”.

 

Theo thông tin loan truyền thì việc tiêm thuốc bảo quản chủ yếu áp dụng cho những con cua ghẹ đã chết hoặc đang hấp hối. Sau khi được tiêm chất bảo quản, trên bụng và yếm của chúng vẫn để lại những lỗ nhỏ li ti.

 

Không chỉ “nóng” trên mạng xã hội, theo khảo sát của phóng viên, đây còn là đề tài được các bà nội trợ bàn tán xôn xao tại các khu chợ. Nhiều người còn không dám ăn hải sản, đặc biệt là cua, ghẹ. “Mới đây, vừa xuất hiện thông tin thay đổi da gà sống bằng chất gì đó rất độc hại, tôi đã chẳng dám ăn thịt gà. Giờ lại thêm thông tin cua, ghẹ bị tiêm chất bảo quản không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chưa rõ thực hư ra sao nhưng nghe thế ai còn dám ăn nữa. Cứ tình trạng này, chắc phải quay lại thời kỳ tự cung tự cấp”, bà Loan (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội ) lo lắng.

 

Chính tâm lý lo sợ của người tiêu dùng đã khiến nhiều tiểu thương kinh doanh thủy hải sản rơi vào cảnh ế ẩm. “Món này vốn đã kén khách, cứ bán đều đều đã chẳng lời lãi được bao nhiêu giờ lại xuất hiện tin đồn thất thiệt. Dạo này ế ẩm lắm, mời mỏi mồm mà khách cứ ngó lơ, khách quen cũng không thấy mua nữa. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để trấn an tâm lý người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng tới những người kinh doanh như chúng tôi. Ở đâu làm thế thì tôi không biết nhưng ở đây tuyệt nhiên không có chuyện đó”, một tiểu thương kinh doanh thủy hải sản tại chợ Gia Quất (Thượng Thanh, Long Biên Hà Nội) khẳng định.

 

Các chuyên gia về vệ sinh thực phẩm của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cảnh báo: “Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, hầu hết các chất bảo quản đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bằng mắt thường rất khó để nhận biết đâu là thực phẩm dùng quá nhiều phụ gia hay chất bảo quản, nên chỉ có cách xét nghiệm tốn rất nhiều chi phí và thời gian mới phát hiện được. Với các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi đặc trưng là ươn thối. Để tránh mua phải hải sản có sử dụng hoá chất, người mua nên kiểm tra kỹ càng”.

 

Cách chọn cua, ghẹ ngon

 

Cách tốt nhất là người tiêu dùng nên mua ở những cửa hàng đã có uy tín, chất lượng, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi chọn cua, ghẹ nên chọn những con còn sống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bơi khỏe, cầm chắc tay, thân hình lành lặn. Tránh mua cua, ghẹ đã chết, có mùi hôi, tanh nồng nặc hoặc có mùi nước tiểu. Dùng ngón tay bấm thử vào phần yếm bụng của cua, nếu thấy cứng thì là cua già nhiều thịt, nếu thấy mềm, phần yếm nhẵn mịn là cua mới lột vỏ chỉ to, nặng nhưng nhiều nước, ít thịt.

 

Khi chọn cua, nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Không nên chọn cua nhìn que càng và mai trông hơi xanh, ấn tay vào yếm thấy mềm là loại cua mọng nước, xốp, ít thịt, không ngon. Nên chọn con thật tươi, nhìn yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe mạnh, linh hoạt, gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên.

 

Ghẹ có nhiều loại như ghẹ đỏ, ghẹ ba chấm, ghẹ xanh… nhưng ghẹ ngon, nhiều thịt và bổ dưỡng nhất vẫn là ghẹ xanh. Không nên chọn con quá lớn, con vừa phải sẽ nhiều thịt và ngon hơn. Chọn những con thật chắc, bằng bàn tay người lớn, bấm vào yếm không lún. Nếu thích ăn ghẹ thịt thì chọn con đực, bấm tay vào sát phần yếm (phía dưới ức, gần chân mái chèo), nếu không lõm thì đó là cua ghẹ chắc thịt. Nếu thích ăn ghẹ có gạch thì chọn con cái. Những con này có màu hơi ngả vàng, các chân của chúng bóp rất chắc chứ không mềm hoặc hơi lõm.

 

Theo Quỳnh Chi/nguoitieudung.com.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang