Thứ Sáu, 29/03/2024 18:46:20 GMT+7

Tin đăng lúc 24-02-2017

Lượt xem: 3909

Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại của WTO chính thức có hiệu lực

Ngày 22/2/2017 đã trở thành dấu mốc quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu khi thỏa thuận đa phương đầu tiên trong 21 năm lịch sử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức có hiệu lực.
Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại của WTO chính thức có hiệu lực
Ảnh minh họa

Với việc nhận 4 thông báo phê chuẩn đối với Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA), WTO đã đạt được 2/3 sự nhất trí từ 164 thành viên cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.

 

Rwanda, Oman, Chad và Jordan đã gửi văn kiện phê chuẩn tới Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, nâng tổng số thành viên phê chuẩn lên trên ngưỡng 110. Việc Hiệp định này có hiệu lực nhằm hoàn tất sự di chuyển, thông quan hàng hóa qua biên giới, tạo ra giai đoạn mới cho cải cách thuận lợi hóa thương mại trên thế giới, đồng thời tạo ra sự thúc đẩy mới cho thương mại và hệ thống thương mại đa phương. Việc thực thi đầy đủ TFA được dự báo sẽ làm giảm chi phí thương mại của các thành viên xuống mức bình quân 14,3%, với hầu hết các nước đang phát triển đều có lợi, theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế WTO năm 2015. TFA chắc chắn sẽ giảm thời gian cần thiết để nhập khẩu hàng hóa trong ngày và nửa ngày, để xuất khẩu hàng hóa trong khoảng hai ngày, giảm 47% và 91% so với thời gian hiện tại. Cũng theo nghiên cứu của WTO, việc thực thi TFA dự kiến sẽ giúp các công ty mới xuất khẩu ngay trong lần đầu tiên. Hơn nữa, các nước đang phát triển sẽ tăng số lượng sản phẩm mới được xuất khẩu lên 20%, các nước kém phát triển sẽ tăng 35%.

 

Tổng Giám đốc WTO hoan nghênh việc TFA có hiệu lực, nhấn mạnh vai trò nền tảng của hiệp định đối với cải cách thương mại: “Đây là thông tin quan trọng vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, cho thấy cam kết của các thành viên đối với hệ thống thương mại đa phương và họ đang thực hiện theo cam kết đã nêu tại Bali năm 2013. Thứ hai, có nghĩa chúng ta có thể bắt đầu thực thi Hiệp định, giúp cắt giảm chi phí thương mại trên thế giới, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước nghèo hơn thực thi Hiệp định”. Thương mại toàn cầu sẽ tăng khoảng 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm, với lợi ích lớn nhất được dành cho các nước nghèo nhất. Tác động của hiệp định sẽ lớn hơn so với việc xóa bỏ tất cả rào cản thuế quan hiện tại trên thế giới.

 

Hiệp định này cho phép các nước đang và kém phát triển đặt ra kế hoạch thực thi TFA phụ thuộc vào năng lực của các nước. Một Quỹ về TFA đã được thành lập theo đề nghị của các nước đang và kém phát triển nhằm đảm bảo các nước này nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đạt được lợi ích đầy đủ của Hiệp định và nhằm hỗ trợ mục tiêu cuối cùng để tất cả các thành viên thực thi đầy đủ Hiệp định.  Các nước phát triển đã cam kết thực thi ngay lập tức Hiệp định, đặt ra một loạt cải cách thuận lợi hóa thương mại. Với 12 điều khoản, TFA đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện sự minh bạch, tính dự báo của thương mại qua biên giới và tạo một môi trường kinh doanh ít phân biệt đối xử nhất. Các điều khoản của TFA bao gồm cải thiện tính sẵn có và công khai thông tin về các thủ tục qua biên giới, cải thiện quyền của thương nhân, giảm phí và các phương thức liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, thủ tục thông quan nhanh hơn, nâng cao điều kiện về tự do quá cảnh hàng hóa. Hiệp định cũng bao gồm các biện pháp về hợp tác hiệu quả giữa hải quan và các cơ quan khác về thuận lợi hóa thương mại và các vấn đề liên quan đến hải quan.

 

Ngược lại, các nước đang phát triển sẽ chỉ áp dụng các điều khoản TFA ngay lập tức khi họ chỉ rõ các cam kết “Loại A”. Với các điều khoản khác của Hiệp định, họ phải xác định khi nào các điều khoản nào được thực thi và cần hỗ trợ xây dựng năng lực để thực thi các điều khoản đó, gọi là cam kết Loại B và Loại C. Các cam kết này có thể được thực thi muộn hơn với các nước kém phát triển cần nhiều thời gian hơn để thông báo cam kết. Hiện có 90 thành viên WTO đưa ra thông báo về cam kết Loại A.

 

Cho đến nay, WTO có các thành viên sau đã phê chuẩn TFA: Hồng Kong Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Mauritius, Malaysia, Nhật Bản, Ôt-xtray-lia, Botswana, Trinidad và Tobago, Hàn Quốc, Nicaragoa, Niger, Belize, Thụy Sỹ, Đài Loan Trung Quốc, Trung Quốc, Liechtenstein, Lào, Niu Dilan, Togo, Thái Lan, Liên minh châu Âu (28 thành viên), Cộng hòa Macedonia, Pakistan, Panama, Guyana, Bờ Biển Ngà, Grenada, Saint Lucia, Kenya, Myanmar, Na Uy, Việt Nam, Brunei Darussalam, Ucraina, Zambia, Lesotho, Georgia, Seychelles, Jamaica, Mali, Campuchia, Paraguay, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Macao Trung Quốc, Các Tiểu vương Quốc Ả rập Thống nhất, Samoa, Ấn Độ, Liên bang Nga, Montenegro, Albania, Kazakhstan, Sri Lanka, St. Kitts và Nevis, Madagascar, Cộng hòa Mondova, El Salvador, Honduras, Mexico, Peru, Ả rập Saudi, Apganistan, Senegal, Uruguay, Bahrain, Bangladesh, Philippines, Iceland, Chile, Swaziland, Dominica, Mongolia, Gabon, Cộng hòa Kyrgyz, Canada, Ghana, Mozambique, Saint Vincent & Grenadines, Nigeria, Nepan, Rwanda, Oman, Chad và Jordan.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tag:WTO

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang