Thứ Sáu, 29/03/2024 13:19:14 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2019

Lượt xem: 3393

Hiệp định EVIPA: “Con đường cao tốc” từ EU tới Việt Nam

Được ký cùng thời điểm với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cuối tháng 6/2019 và đang trong quá trình chờ Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên EU thông qua, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đã đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.
Hiệp định EVIPA: “Con đường cao tốc” từ EU tới Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký kết hiệp định EVFTA và EVIPA

Hiệp định này được ví như “con đường cao tốc” từ EU tới Việt Nam và được kỳ vọng sẽ là cú huých lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đem lại luồng sinh khí mới từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng của các quốc gia EU vào Việt Nam.

 

Nâng tầm vị thế Việt Nam

 

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi khó dự đoán do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết là một tin vui với Việt Nam (VN). Việc ký kết 2 hiệp định này với EU cho thấy vị thế của VN trong nền kinh tế toàn cầu đang tăng lên.

 

Có thể nói, đây là hiệp định toàn diện nhất mà EU từng ký với một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những giao dịch của EU với các nước có nền kinh tế mới nổi khác. Qua đó cũng cho thấy Việt Nam đã được đặt ngang hàng với các đối tác lớn của EU tại châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), EU cũng mới chỉ có hiệp định với Singapore và bây giờ là VN. Phía EU đánh giá cao hai hiệp định đã ký với VN và coi đây là bước đệm quan trọng để họ có thể tiến tới một hiệp định chung với toàn khối ASEAN.

 

Để ký kết được hiệp định này, VN đã cam kết thực hiện những tiêu chuẩn cao của thế giới trong hoạt động thương mại, đầu tư, sử dụng nhân lực, môi trường và phát triển bền vững. Việc thực hiện được những cam kết này sẽ giúp VN xây dựng hình ảnh là một quốc gia năng động, văn minh, tôn trọng luật lệ và các giá trị chung.

 

 

EVFTA và EVIPA được ký kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế VN và EU

 

Cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít

 

Tính đến hết năm 2018, EU đã đầu tư vào VN khoảng 25 tỷ USD, đây là con số khá khiêm tốn so với Hàn Quốc là 62 tỷ USD và Nhật Bản là 57 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, nếu EVIPA được thông qua, dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào VN và xu hướng đầu tư chính của châu Âu là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.

 

Với các cam kết trong EVIPA như: Đối xử công bằng và thỏa đáng; bảo hộ an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài; không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư hay cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài…, được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU, đồng thời, tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới, đó là, VN chủ trương thu hút FDI có chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

 

Thực tế cũng cho thấy, từ đầu năm tới nay đã có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) châu Âu cam kết “đổ vốn” đầu tư vào VN như Bosch - một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô của Đức cho biết, đã có kế hoạch “rót” thêm 100 triệu USD vào VN trong vòng 5 năm tới để đầu tư nhà máy giải pháp truyền lực tại tỉnh Đồng Nai. Hàng loạt DN lớn từ châu Âu và Mỹ cũng đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, hay các dự án dệt ở Bình Định, Nam Định... Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nga, Trung Đông đã đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ, liệu, dệt, nhuộm với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD…

 

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cho rằng, VN đang trong quá trình phát triển, cần rất nhiều vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghiệp kỹ thuật cao. Khi Hiệp định EVIPA được thông qua sẽ tác động tới dòng vốn từ EU (được đánh giá là sạch hơn, chất lượng hơn, công nghệ tiên tiến hơn) đổ vào Việt Nam. Các DN từ EU muốn đầu tư vào VN để tận dụng giá trị, lợi thế của VN như nhân lực trẻ, nền kinh tế mở…, còn VN qua đó sẽ nâng cao được chất lượng nguồn vốn FDI. Đây cũng là quá trình tái cơ cấu dòng vốn FDI theo hướng những dòng đầu tư Hoa Kỳ, Nhật, EU cần được khơi thông vì nó đi liền với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.

 

Có thể thấy, EVIPA nếu được thông qua sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lớn cho VN. Tuy nhiên, để hưởng lợi được từ những cơ hội này thì một trong những sức ép lớn lên Chính phủ VN đó là phải cải cách mạnh mẽ thể chế để có một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, bởi DN các nước EU nói chung rất coi trọng tính minh bạch, rõ ràng và nhất quán của luật pháp.

 

Ngoài ra, chúng ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn khác đó là cơ chế quản lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, đặc biệt là năng lực và sức cạnh tranh của các DN Việt còn yếu, khó đáp ứng được yêu cầu khi tham gia vào thị trường thế giới với xu hướng hướng tới chuỗi và kinh tế toàn cầu như hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ khá tràn lan tại VN cũng là những rào cản lớn mà Chính phủ cần giải quyết.

 

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ hiệp định EVIPA, trước hết VN cần đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó phải có những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các DN và toàn nền kinh tế; hỗ trợ các DN tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ưu tiên công cụ và dịch vụ kỹ thuật số, tinh giản thủ tục hành chính để Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang