Thứ Sáu, 29/03/2024 08:12:06 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2021

Lượt xem: 1026

Hà Tĩnh: Đổi mới sản xuất để phát triển nghề muối truyền thống bền vững

Mặc dù Hà Tĩnh đã tạo mọi điều kiện để phát triển nghề muối, thế nhưng chất lượng thấp, chi phí sản xuất cao đang là lực cản khiến hạt muối không tìm được đầu ra, nghề muối cũng dần bị mai một...
Hà Tĩnh: Đổi mới sản xuất để phát triển nghề muối truyền thống bền vững
Ảnh minh họa

Nỗi buồn nghề muối

 

Hà Tĩnh có đường bờ biển dài 137km được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nghề muối. Với tuổi đời hàng trăm năm, nghề muối từng là nguồn thu nhập chính của nhiều địa phương ven biển Hà Tĩnh. Thế nhưng nhiều năm nay, diêm dân không sống được bằng nghề muối, bỏ nghề, diện tích làm muối cũng dần bị thu hẹp, nghề muối đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Theo người dân, nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ không có, giá thành thấp, chi phí sản xuất cao khiến muối Hà Tĩnh không thể cạnh tranh được các tỉnh thành khác.

 

Làng muối Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) là một trong những làng nghề làm muối truyền thống lâu đời tại Hà Tĩnh. Phương thức làm muối bao đời nay vẫn được duy trì theo cách làm truyền thống; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng muối không cao, khó tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Nhiều năm nay muối rớt giá thảm hại, hiện giá muối đang giao động từ 1.300 – 1.500 đồng/kg. Giá quá thấp, người dân không muốn bán dẫn đến tình trạng muối ùn ứ tại các nhà kho với số lượng rất lớn.

 

Ngoài việc giá thành thấp, chi phí sản xuất cao thì đồng muối bị bỏ hoang, hạ tầng xuống cấp không được sửa chữa kịp thời cũng là nguyên nhân trở thành những lực cản khiến nghề muối Hà Tĩnh không thể phát triển và cạnh tranh với các tỉnh thành khác.

 

Diêm dân chán nản, bỏ hoang đồng ruộng, diện tích muối cũng vì thế thu hẹp dần. Nghề muối từ nghề chính trở thành nghề phụ với phần lớn diện tích bị bỏ hoang. Thời kì thịnh vượng, Kỳ Hà có hơn 100 hộ làm muối với sản lượng đạt hơn 10.000 tấn/năm, nhưng nay toàn xã chỉ còn khoảng hơn 40 hộ gắn bó với nghề.

 

Ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: "Nhiều năm nay thu nhập từ đồng muối bấp bênh, người dân không mặn mà với nghề muối truyền thống. Việc tìm giải pháp hỗ trợ người dân yên tâm gắn bó với nghề vẫn đang là bài toán khó không chỉ với những hộ diêm dân mà còn với cả chính quyền địa phương. Người dân mong muốn được Nhà nước cải tạo một phần đồng muối để đưa vào sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng muối”.

 

Phát triển bền vững nghề muối

 

Thực tế, từ bao đời nay việc sản xuất muối ở Hà Tĩnh vẫn được thực hiện theo quy trình truyền thống với phương tiện lạc hậu, quy mô nhỏ, phân tán. Việc chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến năng suất thấp, chất lượng muối không cao, giá thành đội lên. Ngoài ra, người làm muối ở Hà Tĩnh chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn và các chính sách của Nhà nước, các chủ trương dành riêng cho ngành muối còn ít, thiếu đồng bộ, chủ yếu lồng ghép trong các dự án nông nghiệp khác.

 

Năm 2020, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu chính là phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế các địa phương có truyền thống sản xuất muối. Dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm về muối, đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương được hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa đề án này vẫn còn là một chặng đường khá dài, cần có thời gian và quy trình để đưa vào thực tế.

 

Tại một số vùng muối của Hà Tĩnh đang dần tiếp cận Đề án như thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà). Toàn thôn có 120 hộ làm muối với diện tích 14ha, năng suất trung bình đạt 2.500 tấn/năm. Cuối năm 2020, làng nghề muối thôn Châu Hạ được công nhận là làng nghề truyền thống, đây được xem là “bàn đạp” để từng bước khôi phục lại món nghề đang dần bị mai một.

 

Theo đại diện lãnh đạo địa phương, hiện xã Thạch Châu đã lên kế hoạch phát triển làng nghề với hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn mới. Một số tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tham gia chương trình OCOP để tạo chỗ đứng cho muối trên thị trường.

 

Chất lượng và đầu ra sản phẩm đang đặt ngành muối của Hà Tĩnh trước yêu cầu phải đổi mới sản xuất và cần có chiến lược phát triển bền vững. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh có nghề làm muối truyền thống lâu đời nhưng lâu nay vẫn thực hiện theo phương thức sản xuất cũ nên độ sạch, mẫu mã… không đảm bảo so với các tỉnh thành khác. Thời gian tới, đơn vị sẽ lồng ghép các chương trình dự án đầu tư để nâng cấp vùng muối như hệ thống thủy lợi, kênh dẫn nước, kênh tiêu nước, hệ thống chắt lọc, sân phơi… Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng muối”.

 

Cũng theo ông Thanh, để nghề muối phát triển bền vững ngoài các yếu tố trên còn cần phải tăng cường tổ chức sản xuất muối theo chuỗi, trong đó các hộ diêm dân tập hợp thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất muối. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để chế biến các sản phẩm về muối để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính ổn định về mặt lâu dài.

 

Định hướng phát triển nghề muối tại Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2030 quy mô diện tích là 280ha, sản lượng giai đoạn 2021 - 2025 là 24.000 tấn, giai đoạn 2025 – 2030 là 36.000 tấn. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh thời gian qua tình trạng diêm dân bỏ nghề, hoặc chuyển sang ngành nghề khác khá phổ biến khiến diện tích muối ngày càng bị thu hẹp. Năm 2020 diện tích sản xuất muối của Hà Tĩnh khoảng 45ha với sản lượng đạt 5.000 tấn.

 

Hà Tĩnh đang cố gắng duy trì những diện tích muối đang sản xuất, còn những diện tích kém hiệu quả sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với nhu cầu của người dân và theo từng địa phương”, ông Thanh thông tin.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang