Thứ Sáu, 19/04/2024 19:06:43 GMT+7

Tin đăng lúc 14-03-2023

Lượt xem: 714

Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại

Hiện nay, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng hóa kém chất lượng trên thị trường đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT hướng dẫn cách phân biệt hàng giả tại phòng trưng bày hàng giả Tổng Cục QLTT

Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động ngày càng tinh vi như hàng hóa được cất giấu tại nơi ở; thuê kho chứa trong các khu chung cư; thay đổi địa chỉ, cùng với hình thức kinh doanh trên các trang mạng xã hội… nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng. Theo dự báo, năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

 

Trước tình hình trên, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo, phối hợp cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, Cục QLTT Thành phố đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp kiểm tra, xử lý nhiều vụ hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

 

Điển hình, ngày 16/01, Đội QLTT số 01, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại tầng hầm lô C, ô D7, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Kết quả kiểm tra xác định, cơ sở hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh thuốc đông y không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, không có giấy đăng ký lưu hành... Hàng hóa vi phạm gồm 1.237 hộp thuốc đông y, trị giá khoảng trên 240 triệu đồng. Đội QLTT số 01 đã chuyển toàn bộ hồ sơ cùng tang vật tạm giữ đến công an quận Cầu Giấy, để xử lý theo quy định.

 

Tiếp đó, ngày 10/02, lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh, tại địa chỉ số 61 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã phát hiện 94 chai rượu các loại (44 chai có tem và 50 chai không tem), như  Royal Salute 21, Chivas 12, Chivas 18, Ballantines, The Glenlivet, Bombay Saphire, Cuvee Rose Champagne... cùng với đó là 3 bình chứa khí N2O, tổng trọng lượng khí N2O cân được là 69,7kg; 25kg bóng; 80 bao shisha có nhãn Balli (50gr). Tại thời điểm kiểm, tra cơ sở không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hoá này.

 

Ngày 15/02, Đội QLTT số 25 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 4 - PC05, Công an thành phố Hà Nội tiến hành khám phương tiện vận tải mang BKS: 29H-338.xx có dấu hiệu vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, trên thùng chở hàng của phương tiện có 28 bao chứa nầm lợn, mỗi bao chứa 25kg, tổng trọng lượng 700kg nầm lợn. Làm việc với đoàn kiểm tra, lái xe đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ của số thực phẩm trên.  Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Cùng ngày, Đội QLTT số 01 phối hợp với Đội QLTT số 22 và Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 11 ngách 02 ngõ 123 phố Trần Cung, Cổ Nhuế 01, Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán 2.020 tuýp thuốc trị bệnh trĩ, nhãn có chữ MR.DAFLON, loại 15g/tuýp. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng trên 380 triệu đồng.

 

Ngày 23/02, Đội QLTT số 01 phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra điểm tập kết kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ P2.11.12, Park 2, Khu Đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 01 tấn bao bì tem nhãn và gần 02 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên. Khai nhận ban đầu, đối tượng cho biết đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa.

 

Còn tại địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh thiết bị y tế Lê Thúy Hải - 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa - Hà Nội, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm do kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cụ thể, hàng hóa vi phạm là 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp) nhãn chữ Sinocare; Made in China, trị giá hàng hóa 5 triệu đồng; 01 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 1,5 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 6,5 triệu đồng.

 

Tại cửa hàng “Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế sức khoẻ vàng” địa chỉ 73A Phương Mai, đoàn kiểm tra nhận thấy, ngoài những hàng hoá đã được ghi nhãn đầy đủ theo quy định thì tại cơ sở còn bày bán 01 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000; giá niêm yết 1,5 triệu đồng; 01 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở Drive Safely, giá niêm yết 250.000 đ/chiếc; 06 chiếc nhiệt kế hồng ngoại NITIKA, giá niêm yết tại cơ sở là 150.000 đ/chiếc; 80 miếng dán giữ nhiệt Kichilachi, giá niêm yết tại cơ sở là 5.000 đ/miếng, tổng cộng 88 đơn vị sản phẩm là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Vào thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan đến số hàng hoá này.

 

Gần đây nhất, ngày 06/3, Đội QLTT số 7 phối hợp với Đội 4-PC05, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra điểm kinh doanh rượu thủ công tại 166 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 540 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán, trị giá hàng hoá vi phạm khoảng trên 24 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ số hàng trên, đồng thời phạt hành chính 59 triệu đồng về 02 hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh rượu thủ công là hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép bán lẻ rượu theo quy định pháp luật.

 

Có thể thấy, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại… vẫn đang diễn ra rất phổ biến với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, cũng như các cơ sở nói không với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

 

Với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các lực lượng chức năng thời gian qua, tin tưởng rằng, thời gian tới, các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… sẽ bị đẩy lùi, qua đó giúp lành mạnh hoá thị trường, tránh thất thu thuế cho nhà nước, đồng thời, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Thu Hằng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang