Thứ Năm, 25/04/2024 21:54:31 GMT+7

Tin đăng lúc 20-03-2019

Lượt xem: 2376

Hà Nội siết chặt gian lận trên thị trường thương mại điện tử

Hiện nay, sức phát triển ngày càng nóng của thương mại điện tử (TMĐT) đang tạo ra những thử thách không nhỏ cho công tác quản lý thị trường và chống gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Hà Nội siết chặt gian lận trên thị trường thương mại điện tử
Lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm

Trong làn sóng cách mạng công nghệ - thông tin, người tiêu dùng đang dần quen thuộc hơn với các dịch vụ TMĐT bởi những ưu việt to lớn so với cách mua hàng truyền thống. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của TMĐT hiện tại trung bình khoảng 30%/năm. Theo dự đoán, tới năm 2020 sẽ có khoảng 30% dân số tham gia hoạt động TMĐT. Việt Nam cũng đã vươn lên tốp 6 trong 10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới.  

 

“Bùng nổ” thị trường TMĐT

 

Ở những thị trường tiềm năng như Hà Nội, TMĐT đã có những bước phát triển nhảy vọt. Năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội thực hiện khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy có tới 61% doanh nghiệp đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ TMĐT chiếm từ 30 - 50% tổng doanh thu của mình.

 

Hiện tại, TP Hà Nội đã chấp thuận cho hơn 8.800 website, ứng dụng TMĐT hoạt động trên địa bàn. Trong 5 năm gần đây, Hà Nội luôn nằm trong tốp 2 thị trường dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT. Năm 2018, doanh thu bán lẻ trực tuyến trên địa bàn Hà Nội là 35,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 7% trong tổng số 509 nghìn tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

 

Trải nghiệm của người tiêu dùng đối với loại hình mua sắm mới mẻ này cũng rất đáng ghi nhận. Đơn cử, cuối năm 2018, Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình Online Friday, kích hoạt hệ thống chính thức lúc 0 giờ đêm. Chỉ 6 tiếng sau đó, hệ thống đã ghi nhận tới 164.000 đơn hàng đặt thành công. Số lượng người truy cập trung bình lên tới hơn 54.000 người/giây. Sức hút to lớn của TMĐT trong thời đại công nghệ số khiến các doanh nghiệp buộc phải dần chuyển hướng kinh doanh, khai thác mạng xã hội và các công cụ internet nhiều hơn để tăng doanh thu bán hàng.  

 

Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn mà TMĐT mang lại, rất nhiều thử thách đang được đặt ra trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm gian lận thương mại.  

 

Siết chặt kiểm soát

 

Thị trường TMĐT Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển sôi động, rực rỡ nhất. Dự báo, đến năm 2020 sẽ có hơn 30% dân số tham gia vào các hoạt động TMĐT. Thế nhưng, sức phát triển quá nóng cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ phức tạp như: gian lận thương mại, trốn thuế…

 

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết: “Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, nhà chung cư”.  

 

Trong năm 2018, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 120 vụ vi phạm TMĐT, xử phạt hành chính 47 vụ, tổng số tiền phạt là 521 triệu đồng. Hầu hết các vi phạm đều liên quan đến khiếu nại của khách hàng: đã thanh toán nhưng không nhận được hàng, hàng nhận được không đúng quảng cáo, mất thông tin cá nhân… Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khi giao dịch TMĐT cũng khiến người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng phải đau đầu. Rất nhiều khách hàng lên tiếng bức xúc khi tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ của mình bị doanh nghiệp sử dụng phương thức TMĐT cung cấp cho bên thứ ba.  

 

Để phòng chống gian lận thương mại trong TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngay từ đầu năm 2019, Cục QLTT Hà Nội đã gấp rút đề ra rất nhiều phương án, giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử. Sự “ẩn danh” của những chủ kinh doanh trên mạng xã hội cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau.  

 

Cục QLTT Hà Nội cũng kiến nghị đưa các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội và ứng dụng di động thông minh (Facebook, Zalo, Viber…) vào quản lý như đối với website thương mại điện tử. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội và phần mềm ứng dụng di động để kinh doanh buộc phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cần có chế tài buộc các tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT gỡ bỏ hoàn toàn những thông tin vi phạm; Không loại trừ khả năng dùng biện pháp mạnh tay hơn nữa là kiến nghị tổ chức quản lý, cung cấp dịch vụ thu hồi vĩnh viễn những tên miền, gian hàng vi phạm…  

 

Minh Châu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang