Thứ Tư, 17/04/2024 05:26:12 GMT+7

Tin đăng lúc 10-10-2020

Lượt xem: 1098

Hà Nội sẽ phát triển từ chính bề dày lịch sử của thành phố nghìn năm tuổi

Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhờ vào chính bề dày lịch sử văn hóa của thành phố.
Hà Nội sẽ phát triển từ chính bề dày lịch sử của thành phố nghìn năm tuổi
Một góc thủ đô Hà Nội hiện đại hôm nay

1010 năm trước, Đức tiên đế Lý Thái Tổ đã chọn Thăng Long để định đô với mong muốn đất nước được ngàn năm vững bền, muôn dân được hưởng thái bình. Với bề dày nghìn năm văn hiến, Anh hùng, kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, phát triển về chiều sâu, không chỉ khẳng định là một trong 2 đầu tầu kinh tế của đất nước mà còn là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, là nơi tiêu biểu về văn hóa Việt Nam, là bộ mặt, là niềm tự hào quốc gia.

 

Thế nhưng, với tiềm năng và thế mạnh của vùng đất địa linh nhân kiệt, thủ đô Hà Nội được kỳ vọng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhờ vào chính bề dày lịch sử văn hóa của thành phố nghìn năm tuổi.

 

Từ thành Cổ Loa của Nhà nước Văn Lang, rồi đến Thăng Long - Kinh đô Đại Việt, Thăng Long - Hà Nội triều Nguyễn và Thủ đô Hà Nội ngày nay, trải qua bao thăng trầm, đắp bồi của lịch sử, thành phố Hà Nội hôm nay đã mang một tầm vóc mới. Dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8% dân số, nhưng Hà Nội đã đóng góp gần 17% GDP và 20% thu ngân sách của cả nước. Hà Nội đang có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. 5 năm 2016-2020 thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 25 tỷ USD gấp gần 5 lần giai đoạn 2011-2015, dẫn đầu cả nước trong 2 năm liên tiếp 2018-2019. Năm 2019 Hà Nội đón gần 30 triệu lượt khách du lịch và được xếp trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới...

 

Chính sự thay đổi về diện mạo và cải thiện chất lượng dịch vụ ở Hà Nội đã mang lại sự hài lòng cho người dân và tình yêu với du khách.

 

Không chỉ dừng ở danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Thành phố của lương tri và phẩm giá con người do UNESCO vinh danh, Hà Nội vừa chính thức tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với các thành phố sáng tạo toàn cầu như Berlin, Thượng Hải, Singapore… để định vị Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Khu vực và thế giới. Đây là một nỗ lực trong giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ tài nguyên môi trường. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Hà Nội là một trong không nhiều thành phố trên thế giới có hơn ngàn năm tuổi, lại là đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi hội tụ nhân tài, trí tuệ tri thức, khoa học của cả nước. Bởi vậy, nếu Hà Nội tiếp cận và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này, sẽ từng bước giải quyết được những vấn đề đang đặt ra với thành phố.

 

TS Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Phải biết trân trọng tri thức của giới trí thức và tri thức dân gian của nhân dân. Hà Nội không chỉ những năm vừa qua mà đã từ lâu chưa khai thác tốt những vốn, những tài sản ấy. Khai thác thì phải khai thác ngay từ khâu ý tưởng, lắng nghe những chuyên gia. Định làm về sông hồ phải lắng nghe những chuyên gia sông hồ. Định làm về phố phường, đô thị thì phải lắng nghe chuyên gia về đô thị. Phải lắng nghe trước, chứ không phải làm rồi xong mới biện minh. Tôi kỳ vọng một thực tế đó là Trung ương tính toán và bổ nhiệm mới những đồng chí lãnh đạo là những nhà khoa học, tôi tin rằng họ sẽ có cách tiếp cận mới, mở ra giai đoạn phát triển mới của Hà Nội”.

 

 

Hà Nội đang làm điểm đến an toàn, thân thiện với bạn bè quốc tế.

 

Hà Nội phải lắng nghe nhiều hơn tiếng nói tinh hoa của giới trí thức, tinh hoa trong dân gian để từ đó tạo thành sức mạnh mềm trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nói như GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, giới trí thức thủ đô mong muốn được lắng nghe nhiều hơn trong những quyết sách phát triển của thành phố: từ những vấn đề lớn như quy hoạch, kiến trúc, hay tới những vấn đề dân sinh như ùn tắc giao thông hay xử lý môi trường.

 

Nguyễn Lân Dũng cho rằng: "Tôi mong Hà Nội không còn tình trạng chôn rác, hoàn toàn có thể giải quyết bài toán môi trường bằng giải pháp vi sinh vật. Những vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng ngồi với lãnh đạo thành phố để giải quyết".

 

Với vị trí đặc biệt quan trọng, thành phố Hà Nội luôn được sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về vai trò gương mẫu, đầu tầu dẫn dắt về văn hóa, là động lực lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô chỉ có một, là trái tim cả nước, là bộ mặt của quốc gia. Chính vì thế, Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Nói đến Hà Nội phải là trung tâm kinh tế lớn nhưng cái lớn hơn phải là trung trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, nơi tiêu biểu về nền văn hóa Việt Nam. Không hề coi nhẹ kinh tế, kinh tế phải phát triển, nhưng cũng phải phát triển một cách có văn hóa, có quy hoạch, chứ không thể để lộn xộn, tự do. Hà Nội văn hiến, anh hùng thì phải giữ gìn trật tự, an ninh, nếp sống văn hóa, từ quy hoạch thiết kế, đến xây dựng, đến quản lý phải nền nếp, văn minh. Đã làm là phải dứt điểm, nhanh, đúng kế hoạch, không được trì trệ”.

 

Phát triển bền vững thành phố cả về chiều sâu văn hóa, lịch sử, và cả về diện mạo mới hiện đại với đầy ắp những kế hoạch cho phát triển các đô thị vệ tinh, vùng kinh tế phía Nam thành phố, hay quy hoạch thành phố ven sông Hồng…từ lâu đã nằm trong dự liệu của lãnh đạo thành phố qua nhiều thời kỳ. Tuy nhiên do những lý do khác nhau, những dự liệu ấy chưa thể trở thành những quyết sách đột phá. Dự thảo báo cáo trình Đại hội đảng thành phố lần thứ 17 đặt mục tiêu: Hà Nội đi đầu trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 7,5% - 8% trở lên. Đồng thời giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: Hà Nội quyết tâm tiếp nối truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực sáng tạo được hun đúc từ hơn nghìn năm qua để khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của Hà Nội: “Mục tiêu chiến lược đang được hoạch định là đến năm 2025 phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực ASEAN; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế”.

 

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là dịp bước vào Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đây là dấu mốc quan trọng để có những quyết sách đột phá cho Hà Nội thành phố nghìn năm tuổi, "trái tim" của cả nước vững bước tới tương lai, vẹn nguyên những nét văn hóa đặc trưng, xứng đáng là “thủ đô ta” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh../.

 

Theo Vov


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang