Thứ Sáu, 29/03/2024 13:52:53 GMT+7

Tin đăng lúc 27-05-2022

Lượt xem: 1221

Hà Nội hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống

Nhân dịp SEA Games 31 được tổ chức Thành phố Hà Nội, để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), nghệ nhân quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Thủ đô tới đông đảo du khác trong nước và quốc tế, TP.Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực.
Hà Nội hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, nghệ nhân quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống
Nhiều sản phẩm độc đáo của các làng nghề truyền thống được trưng bày tại Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô 2022

 

SEA Games 31 là sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, thu hút khoảng 10.000 đại biểu, vận động viên, phóng viên quốc tế đến tham dự. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam nói chung, thủ đô Hà Nội nói riêng quảng bá về tiềm năng du lịch cũng như các sản phẩm đặc trưng của mình tới bạn bè quốc tế.

 

Với ý nghĩa đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai chuỗi các hoạt động chào đón, phục vụ SEA Games 31, trong đó, nổi bật là việc tổ chức Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô 2022. Hội chợ có khu triển lãm giới thiệu một số làng nghề tiêu biểu, độc đáo trên địa bàn thành phố, trưng bày giới thiệu hơn 10.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu và 100 gian hàng được trang trí đẹp mắt, ấn tượng với các sản phẩm quà tặng được làm từ các nghệ nhân Hà Nội.

 

 

Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thăm quan các gian hàng tại Hội chợ

 

 

Các sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ triển lãm là những mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ như: Gốm sứ, sơn mài, khảm trai, lụa, thêu ren, mây tre đan, xương sừng mỹ nghệ... của các cơ sở CNNT và các nghệ nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, nhiều món quà tặng còn in hình linh vật SEA Games 31, vừa có ý nghĩa quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội, vừa thể hiện tinh thần SEA Games. Các sản phẩm tham gia Hội chợ lần này đều phải đáp ứng được các tiêu chí: Đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, thu hút, tạo ấn tượng với khách tham quan, giao dịch.

 

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát – người được Sở Công Thương Hà Nội đặt hàng làm linh vật Sao La bằng chất liệu gỗ, sơn mài, chia sẻ, Hà Nội là cái nôi của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với nhiều làng nghề lâu đời nhất Việt Nam. Nhân dịp SEA Games 31 được tổ chức tại Thủ đô, bằng chuyên môn của mình, tôi muốn thể hiện linh vật Sao la bằng gỗ mít nguyên khối, được tạo tác chi tiết và phủ sơn mài, qua đó, tôi muốn quảng bá thêm những chất liệu, nghề truyền thóng gỗ, sơn mài của người Hà Nội.

 

Thông qua Hội chợ lần này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ đã có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Đồng thời, khách du lịch quốc tế, các vận động viên cũng có dịp tham quan, mua sắm và trải nghiệm quá trình sản xuất ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ các Làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi của Hà Nội.

 

Cũng nằm trong chuỗi sự kiện chào đón SEA Games 31, Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022” nhằm mục tiêu kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần vực lại sản xuất. Chương trình có 90 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống như: Thêu, sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, mộc, chế biến thực phẩm... Đáng chú ý là không gian giới thiệu, trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của huyện như: Nón lá truyền thống Vĩnh Thịnh xã Đại Áng; Rượu Ngâu xã Tam Hiệp; Bánh Trưng Tranh Khúc xã Duyên Hà; sản phẩm OCOP xã Yên Mỹ và các sản phẩm làng nghề của các đơn vị bạn như: Thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam; thành phố Chí Linh – tỉnh Hải Dương; huyện Nông Sơn - tỉnh Quảng Nam; huyện Trà My - tỉnh Quảng Nam… đem lại trải nghiệm đáng nhớ cho khách tham quan, mua sắm.

 

Cùng với các sự kiện trên là “Triển lãm các sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu” tại Điểm trưng bày, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP Thủ đô - quận Hà Đông; “Giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường” tại quận Long Biên.

 

Có thể thấy rằng, thông qua các hoạt động trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, các làng nghề truyền thống có cơ hội quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm của mình tới đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế, giúp các sản phẩm làng nghề truyền thống có cơ hội vươn xa hơn, qua đó, giúp bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của Thủ đô.

 

Minh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang