Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:19:53 GMT+7

Tin đăng lúc 22-03-2017

Lượt xem: 1998

Hà Nội: Chung tay xây dựng thương hiệu nông sản

Là địa phương có nhiều loại nông sản đặc sắc, Hà Nội đã có 13 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Đây là những bước đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị cho nông sản của Thủ đô.
Hà Nội: Chung tay xây dựng thương hiệu nông sản
Sản xuất rau hữu cơ tại xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Thương hiệu giúp tăng giá trị sản phẩm

 

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, thay vì trồng rau theo hình thức truyền thống, Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đầu tư sản xuất rau hữu cơ. Sau 5 năm triển khai, mô hình này đã thu hút 14 nhóm sản xuất, sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn và được nhiều kênh bán lẻ uy tín ưa chuộng, thu mua. Với giá trung bình ở mức 14.000 đồng/kg rau, củ, quả các loại, sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân hiện cung không đủ cầu.

 

Tận dụng bãi đất bồi màu mỡ ven sông Đáy, 10 năm nay, xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả với cây trồng chủ yếu là cam đường. Sau nhiều năm sản xuất theo hướng an toàn, nỗ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, năm 2016, sản phẩm “Cam đường Kim An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Tổ chức Chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (NHO-QSCert) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Với khoảng 17.500 tấn cam trong vụ vừa qua, cây cam đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân trong xã.

 

Vốn có thế mạnh về nông sản, Hà Nội nổi tiếng bởi nhiều đặc sản quý, có hương vị đặc trưng và được người tiêu dùng ưa chuộng như miến dong Minh Hồng, cam Canh, bưởi Diễn, tương Cự Đà, ổi Kim An, giò chả - bánh chưng Tân Ước... Nhiều sản phẩm sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Giống như hai sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn và cam đường Kim An kể trên, việc xây dựng thương hiệu đã mang lại giá trị lớn cho nhiều sản phẩm nông sản.

 

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

 

Đa dạng chủng loại và mang lại giá trị cao nhưng Hà Nội hiện chỉ có 13 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, khiến nhiều sản phẩm chưa có được giá trị tương xứng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên nhân là do các sản phẩm còn được sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún nên khi khách hàng có nhu cầu số lượng lớn thì thường không đáp ứng được đầy đủ. Bên cạnh đó, sản xuất nhỏ lẻ còn khiến việc áp dụng khoa học công nghệ nhằm cơ giới hóa cũng như sản xuất theo tiêu chuẩn còn nhiều khó khăn.

 

Khắc phục nhược điểm này, các địa phương đang nỗ lực kết nối các hộ sản xuất nhằm xây dựng những mô hình sản xuất tập trung, cho hiệu quả lớn. Đơn cử, xã Kim An đang khuyến khích các hộ dân có điều kiện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả tập trung. Nghị quyết Đảng bộ xã Kim An xác định, 2/3 diện tích đất nông nghiệp sẽ chuyển sang cây ăn quả với diện tích khoảng 170ha. Hoặc Hội Nông dân xã Thanh Xuân sẽ tiếp tục vận động các hộ sản xuất liên kết nhằm mở rộng vùng sản xuất rau hữu cơ an toàn.

 

Hội Nông dân TP. Hà Nội cũng đang đặt ra tiêu chí, hàng năm, các cấp hội phối hợp với địa phương xây dựng từ 1 - 2 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp truyền thống; mỗi cấp hội xây dựng từ 1 - 2 mô hình chuyên canh sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Liên kết, chung tay là giải pháp hữu ích để xây dựng thành công những vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện cho việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Với các sản phẩm nông sản, thương hiệu sản phẩm chiếm từ 30 - 60% giá trị sản phẩm. Do đó, phải xác định xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu như một chiến lược kinh doanh để nông sản Việt cạnh tranh được với hàng nông sản nhập khẩu.

 

Nguồn Báo Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang