Thứ Tư, 24/04/2024 04:40:28 GMT+7

Tin đăng lúc 23-05-2023

Lượt xem: 552

Hà Nội: Áp dụng mô hình liên kết hiệu quả, thúc đẩy sản xuất sạch hơn

Áp dụng mô hình liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm là một trong những giải pháp được Hà Nội triển khai để thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững (TDBV).
Hà Nội: Áp dụng mô hình liên kết hiệu quả, thúc đẩy sản xuất sạch hơn
Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ - nội thất đã được Hà Nội thiết lập trong năm 2022

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thời gian qua, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường cũng như liên kết các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Tthủ đô.

 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, để áp dụng mô hình liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm, năm 2022, Sở Công Thương đã triển khai đánh giá hiện trạng, nghiên cứu xây dựng các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cho các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may và ngành điện - điện tử trên địa bàn thành phố.

 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, đề xuất trên 200 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn.

 

Qua đó, ngành Công Thương Hà Nội đã góp phần giảm trung bình 3,32% định mức nguyên vật liệu; 6,8% tổng định mức năng lượng quy đổi; 14,15% bụi công nghiệp; 8,42% lượng nước thải sinh hoạt.

 

Những giải pháp được triển khai phổ biến và nhiều doanh nghiệp áp dụng đó là tư vấn về quản lý nội vi chính để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và giảm phát thải ô nhiễm môi trường với chi phí thấp. Các cải tiến trong quản lý nội vi được đề xuất bao gồm: Bảo dưỡng phòng ngừa, kiểm kê quản lý kho, chống lãng phí, phân loại chất thải, và đào tạo công nhân các kỹ năng và yêu cầu thực hiện trong các công đoạn sản xuất, đảm bảo chất lượng, năng suất sản xuất.

 

Cùng với đó, Hà Nội cũng triển khai đánh giá hiện trạng sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng cho ngành vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố. Năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phổ biến 2 chuỗi kết nối: Chương trình Kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống” và “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ - nội thất”.

 

Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia Liên minh Bán lẻ giảm tiêu dùng túi ni-loông sử dụng một lần.

 

Đến nay, có 16 đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia liên minh, cam kết cùng phối hợp triển khai hoạt động giảm tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại siêu thị, cơ sở bán lẻ thuộc doanh nghiệp quản lý. Qua đó, tăng cường nhận thức, lan toả các thông điệp tích cực về giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, góp phần thay đổi hành vi của khách hàng đối với việc giảm thiểu túi ni - lông khi đi mua sắm…

 

Những hành động cụ thể và thiết thực của Hà Nội đã góp phần thúc đẩy các mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường, tăng cường hợp tác phát triển mạng lưới chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu dùng bền vững của Thủ đô.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang