Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:00:45 GMT+7

Tin đăng lúc 14-04-2022

Lượt xem: 1140

Hà Nội: Triển khai các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn

Theo báo cáo của BCĐ 389 Hà Nội, quý 1/2022, Thành phố đã thực hiện kiểm tra 4.675 vụ; xử lý 4.418 vụ, khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 538,524 tỷ đồng. Trong đó, 763 vụ hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại 3.543 vụ; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ 112 vụ.
Hà Nội: Triển khai các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn
BCĐ389 họp chỉ đạo về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

BCĐ 389 nhận định trong thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, các đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh và những chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước trong mùa dịch bệnh để thực hiện các hành vi buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, nhập lậu và gian lận thương mại… Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ cất giấu, như: Sản phẩm từ động vật hoang dã,  mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế thông qua các bưu kiện hàng hóa là quà tặng, quà biếu... được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

 

Các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh và giao dịch buôn bán trên sàn thương mại điện tử, như: Zalo, Facebook… rao bán các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhất là các thiết bị y tế phục vụ cho điều trị Covid-19, nhiều loại sản phẩm hỗ trợ phòng, điều trị Covid-19 (bộ kít thử xét nghiệm nhanh Covid-19; hàng hóa có ghi công dụng “kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp phòng chống Covid-19…) nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không được phép lưu hành hoặc đầu cơ găm hàng đối với hàng hóa là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch…

 

Điển hình một số vụ đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ  như: Ngày 14/3, Đội QLTT số 5, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra Kho C5 - H19 khu vực Cảng Hà Nội có địa chỉ tại số 838, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Qua kiểm tra đã phát hiện 112 thùng hàng carton chứa nhiều sản phẩm liên quan đến các mặt hàng phòng, chống, điều trị Covid-19 do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ phương tiện chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu lô hàng. Lực lượng chức năng đã hoàn tất các thủ tục để di chuyển toàn bộ hàng hóa về trụ sở Đội QLTT số 5 để thực hiện kiểm đếm chi tiết. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm tra ghi nhận gần 60.000 bộ kit test kháng nguyên Covid-19 do nước ngoài sản xuất, trên vỏ ngoài thùng carton có xuất xứ hàng hóa “Made in China”.

 

Ngày 30/3/2022, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng tại 158 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh đang bày hàng hóa là thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ và hình có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo Đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG. Đoàn kiểm tra tạm giữ 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ và hình để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Đoàn công tác BCĐ 389 đi khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn

 

Để chủ động trong hoạt động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần kiểm soát tốt thị trường, BCĐ 389 Hà Nội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

 

Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

 

Xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

 

Qua đó, kiểm soát tốt và làm ổn định thị trường, tạo sự minh bạch và lành mạnh trong các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính. Phối hợp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; Đồng thời, có các giải pháp yêu cầu doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, nêu cao trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cảnh báo sớm tới người tiêu dùng về sự nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đên sức khỏe đối với các sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Công Đăng


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang