Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:01:35 GMT+7

Tin đăng lúc 15-02-2021

Lượt xem: 1194

Gốm Chu Đậu: Từ dòng chảy truyền thống đến thương hiệu quốc gia

Với nền văn minh lúa nước tồn tại lâu đời, Việt Nam có nhiều dòng gốm gắn bó cùng lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Một trong những dòng gốm lâu đời, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhất là gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Gốm Chu Đậu: Từ dòng chảy truyền thống đến thương hiệu quốc gia

Những dấu tích cùng sự phục hồi dòng gốm cổ từng thất truyền suốt mấy thế kỷ cho thấy sức sống mạnh mẽ cũng như sự tiếp biến của dòng chảy văn hóa Việt trong từng sản phẩm để định hình, phát triển dòng gốm cổ Chu Đậu trở thành thương hiệu quốc gia hôm nay.

 

Triết lý nhân sinh trong dòng gm c

 

Cầm trên tay đôi bình gốm âm dương được phỏng dựng theo nguyên bản lối cổ, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro, thuộc Tập đoàn BRG) hào hứng cho biết: “Có lẽ không dòng gốm nào ở Việt Nam vinh dự có mặt tại 46 bảo tàng ở 32 quốc gia trên thế giới như Chu Đậu. Trải qua lịch sử hình thành, phát triển hơn 400 năm, gốm Chu Đậu mang trong mình “số phận” kỳ lạ: Hình thành từ thế kỷ XII - XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV - XVI, tàn lụi và biến mất hoàn toàn ở thế kỷ XVII, để rồi lại hồi sinh và phát triển rực rỡ từ năm 2003 đến nay”.

 

Để có được điều kỳ diệu ấy, yếu tố sâu xa nhất có lẽ là bởi dòng chảy văn hóa Việt như mạch nguồn sự sống “chảy” trong từng sản phẩm của Chu Đậu suốt bao thế kỷ. Không chỉ được nhận diện thông qua những hoa văn, màu men hay kiểu dáng truyền thống, gốm Chu Đậu còn mang những triết lý nhân sinh quan sâu sắc của nhà Phật và văn hóa Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua đại diện tiêu biểu của sản phẩm gốm Chu Đậu là đôi bình âm dương - biểu tượng của sự hòa hợp âm dương, trời đất, đạo vợ chồng của người Việt.

 

Giống như nhiều sản phẩm truyền thống khác của Chu Đậu, cặp bình âm dương có bố cục gồm ba phần: Đế, thân và cổ. Phần đế được trang trí hoa văn đài sen, với ý nghĩa lấy đạo Phật làm gốc. Xung quanh đôi bình trang trí cúc đại đóa, hoa chanh dây hay “tứ quý” (tùng - cúc - trúc - đào). Trên cổ bình là hình sắc phong biểu thị cho uy quyền của người đàn ông hay hình ảnh lông chim Lạc Việt hàm ý tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Cặp bình âm dương này chính là khởi nguồn cảm hứng tạo nên logo đại diện của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu với hình tượng “dương” nằm trong “âm” theo quy luật phát triển: “Âm dương giao hòa, tinh hoa xuất hiện”. Đó cũng là những triết lý sâu xa mà Phật giáo và người Việt luôn lấy làm gốc trong cuộc sống.

 

“Bn sc Vit, ta sáng năm châu”

 

Trong một lần đến thăm Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề tặng công ty dòng chữ: “Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm châu”. “Đấy là kim chỉ nam để chúng tôi nỗ lực phấn đấu trong sản xuất, kinh doanh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa vươn ra thế giới để lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu của người Việt” - ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu chia sẻ.

 

Những năm qua, công ty đã có những bước tiến ngoạn mục trong việc hồi sinh dòng gốm cổ bị thất truyền suốt 4 thế kỷ. Thế kỷ XVI, gốm Chu Đậu hoàn toàn biến mất khỏi đời sống của người Việt. Phải đến đầu những năm 1980, một nhà ngoại giao Nhật Bản trong một lần.

 

tham quan Viện Bảo tàng Takapisaray ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã trông thấy đôi bình gốm đặc trưng kiểu châu Á, trên bình có 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, tượng nhân Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút” (nghĩa là: Niên hiệu vua Thái Hòa thứ 8, người thợ ở châu Nam Sách, tên là Bùi Thị Hý tạo nên), nhưng lại ghi “xuất xứ từ Trung Hoa”. Sau khi tra lại các tài liệu, nhà ngoại giao này khẳng định rằng đây là một sản phẩm của người Việt. Đó là cơ sở đầu tiên để “hồi sinh” dòng gốm Chu Đậu, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các nhà khảo cổ học và người dân huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương).

 

Năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu nhằm đưa dòng gốm cổ này trở lại với người Việt. Ngày nay, bên cạnh những dòng sản phẩm truyền thống, tâm linh, gốm Chu Đậu còn có các dòng sản phẩm gia dụng, xuất khẩu và đặc biệt là vẽ vàng kim.

 

Nói về sự khác biệt của gốm Chu Đậu, ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Sự khác biệt lớn nhất của gốm Chu Đậu nằm ở nguyên liệu men tro trấu - một dòng men thiên nhiên chỉ có ở Việt Nam. Trong khi các nơi khác dùng men làm từ hóa chất và pha thêm chì để tiết kiệm thời gian, nguyên liệu, tạo độ bóng, đẹp cho sản phẩm thì gốm Chu Đậu lại được làm từ những nguyên liệu hoàn toàn có sẵn trong tự nhiên và gắn bó với cuộc sống của người Việt, đó là tro, trấu, đất sét... Chính từ nguồn nguyên liệu sạch, không hóa chất nên các sản phẩm gốm Chu Đậu hoàn toàn không gây độc hại cho người tiêu dùng”. Nhờ vậy, năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục độc bản: “Men tro trấu - Sản phẩm gốm Chu Đậu, dòng men thiên nhiên cổ truyền độc đáo của gốm Việt Nam”.

 

Một nét điển hình nữa để nhận diện sản phẩm gốm Chu Đậu là nước men rạn “xoắn đồng tiền” không nơi nào có. Để làm được loại men này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố, từ kỹ thuật phun men, cấu trúc xương sản phẩm cho đến kỹ thuật tạo độ rạn, sao cho lớp men chỉ rạn bên trong mà vẫn bóng đẹp bên ngoài.

 

Để xứng đáng với “10 chữ vàng” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng, những năm qua, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa văn hóa truyền thống với hiện đại. Trên nền tảng truyền thống là hoa văn, hình dáng, kết cấu, loại men... mang tính thuần Việt, những nghệ nhân, đội ngũ thiết kế của công ty đã kết hợp các yếu tố hiện đại như đưa vàng vào các họa tiết trang trí để tạo nên những sản phẩm cao cấp được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, công ty cũng thăm dò thị hiếu của các thị trường quốc tế để cải tiến mẫu mã, hình thức nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn hồn cốt của một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam.

 

Không ngừng đổi mới, sáng tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là những bí quyết để Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường quan trọng như: Châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản... Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty cũng ngày càng được thị trường trong nước ưa chuộng, thể hiện qua sản lượng trung bình 1,5 - 2 triệu sản phẩm mỗi năm. Không những vậy, sản phẩm gốm Chu Đậu ngày càng được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nước chọn làm quà tặng, đồ lưu niệm. Đặc biệt, gốm Chu Đậu cũng để lại ấn tượng sâu sắc khi được chọn làm quà tặng ngoại giao cho các đoàn khách quốc tế cao cấp đến Việt Nam. Đó là sự khẳng định uy tín đối với gốm Chu Đậu - một sản phẩm mang đậm dấu ấn, văn hóa Việt Nam đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia trong năm 2020.


Theo Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang