Thứ Sáu, 29/03/2024 06:27:46 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2018

Lượt xem: 1587

Gỡ khó cho các làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu

Huyện Kiến Xương – Thái Bình, nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề sản xuất mắm cáy Hồng Tiến (xã Hồng Tiến); làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái)…, chính vì thế việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể cho các làng nghề truyền thống là việc làm cần thiết để giúp các làng nghề phát triển bền vững.
Gỡ khó cho các làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu
làng nghề sản xuất mắm cáy Hồng Tiến

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái) đã có truyền thống 600 năm. Mặc dù làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời, tiềm năng phát triển kinh tế nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Đồng Xâm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Giá bán một sản phẩm tại làng nghề chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá bán những sản phẩm này tại các cửa hàng mỹ nghệ kim hoàn trong nước, bên cạnh đó, nhiều mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm tiêu biểu của làng nghề bị làm nhái khiến cho uy tín của chạm bạc Đồng Xâm giảm xuống. Hiểu được tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu làng nghề, năm 2012, Bộ Khoa học & Công nghệ hỗ trợ làng nghề Đồng Xâm thực hiện dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể làng nghề chạm bạc Đồng Xâm”.

 

Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho Chi hội mỹ nghệ chạm bạc và các nghệ nhân, thợ nghề chạm bạc; xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể cho chi hội; hoàn chỉnh thiết kế lôgô cho nhãn hiệu tập thể và đăng ký logo bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời xây dựng cho làng nghề một website động có đủ tính năng đáp ứng nhu cầu quảng bá sâu rộng hơn nữa sản phẩm ra các thị trường trong nước, quốc tế; kết hợp xúc tiến hoạt động giao thương, hoạt động mua, bán sản phẩm làng nghề qua mạng internet góp phần tạo môi trường thuận lợi cho làng nghề phát triển. Nhờ đó doanh thu của làng nghề đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp hơn 60% vào tổng thu nhập của địa phương.

 

 

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã được xây dựng thương hiệu

 

Bên cạnh làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng nghề sản xuất mắm cáy Hồng Tiến (xã Hồng Tiến) với truyền thống hàng trăm năm cũng đã được UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Mắm cáy Hồng Tiến vốn nức tiếng thơm ngon vì được làm ra từ những con cáy sống tự nhiên trong môi trường nước lợ và kỹ thuật ngâm ủ, chiết xuất mắm của người dân nơi đây. Chính bởi mắm cáy Hồng Tiến ngày càng nổi tiếng trên thị trường nhưng do chưa có tem, nhãn hiệu nên nhiều sản phẩm đã mượn danh và gây ảnh hưởng đến sản phẩm của địa phương. Nhận thấy rằng việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho mắm cáy Hồng Tiến là việc làm cần thiết, năm 2016, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt và hỗ trợ 450 triệu đồng để thực hiện đề tài: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Mắm cáy Hồng Tiến” cho sản phẩm mắm cáy của xã Hồng Tiến. Đề tài do UBND huyện Kiến Xương chủ trì thực hiện nhằm giúp mắm cáy Hồng Tiến có một sản phẩm riêng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất và tiêu dùng. Hiện nay, toàn xã có 47 hộ thành viên chuyên sản xuất, kinh doanh mắm cáy. Sản lượng mỗi năm đạt hơn 10.000 lít mắm, cho giá trị gần 2 tỷ đồng. Mắm cáy Hồng Tiến giờ đã trở thành sản phẩm có thương hiệu trên thị trường nhờ HTX Thủy sản đứng ra tổ chức cho xã viên sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân Triều, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương cho biết: Toàn huyện có 37 làng nghề, giải quyết việc làm, thu nhập cho hơn 14.000 hộ với gần 28.000 lao động. Giá trị sản xuất từ nghề năm 2017 đạt 1.454,3 tỷ đồng; năm 2018 phấn đấu đạt 1.582,8 tỷ đồng. Thời gian tới, để giúp các làng nghề phát triển bền vững, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương, làng nghề tăng cường phát triển các mối liên kết, sản xuất hàng hóa theo chuỗi sản phẩm. 

 

Mắm cáy Hồng Tiến, chạm bạc Đồng Xâm giờ đã trở thành sản phẩm có thương hiệu trên thị trường nhờ các HTX đứng ra tổ chức cho xã viên sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu. Những làng nghề này hiện đang tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang