Thứ Sáu, 29/03/2024 17:37:48 GMT+7

Tin đăng lúc 28-03-2016

Lượt xem: 3738

Giữ đà tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2016 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Nhưng nếu so sánh với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015 và năm 2011 (năm khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015) thì kết quả này lại có sự sụt giảm, cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra sẽ vô cùng khó khăn.
Giữ đà tăng trưởng kinh tế
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: MINH HÀ

Điểm sáng ngành xây dựng

 

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý I năm 2016 tăng 5,46% so cùng kỳ năm 2015; cao hơn so cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015. Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế là khu vực dịch vụ với giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm 2015, cao nhất kể từ quý I năm 2012 đến nay.

 

Khu vực công nghiệp và xây dựng có giá trị tăng thêm tăng 6,72% so cùng kỳ năm 2015 và cao hơn cùng kỳ năm 2013 và 2014, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% cùng kỳ năm 2015. Riêng ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% (thua xa mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm 2015) do hai ngành công nghiệp chủ lực là khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp, giảm đáng kể. Cụ thể, ngành khai khoáng sụt giảm khá mạnh chỉ đạt 98,8%, sản lượng dầu thô khai thác chỉ đạt 96,3% so cùng kỳ năm 2015; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9%, kém xa so với mức tăng 9,7% của quý I năm 2015. Ngược lại, “một điểm đáng chú ý là ngành xây dựng ba tháng đầu năm nay lại đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,94%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, trong đó khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước tăng cao nhất với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt hơn 23%, khu vực DN nhà nước cũng đạt mức tăng giá trị sản xuất 11%, trong khi khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực khác có tốc độ tăng giá trị sản xuất âm” - Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, bức tranh DN ba tháng đầu năm cũng có nhiều điểm sáng tối đan xen. Theo đó, trong quý đầu năm, cả nước có hơn 23.700 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 186.000 tỷ đồng, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67,2% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Số vốn đăng ký bình quân đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5%. Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động đạt 9.376 DN, tăng 84,1% so cùng kỳ. Song, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế chững lại cùng những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới khiến các DN Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong quý I, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh lên tới 2.919 DN, tăng 13,8% so cùng kỳ năm trước. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so cùng kỳ.

 

Quý I năm 2016 là quý khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khả quan, như kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát ít biến động, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục, kinh tế đối ngoại có nhiều yếu tố tích cực. Nhưng với những kết quả đạt được vừa qua cho thấy, tuy tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được mức tăng nhưng đã có dấu hiệu chững lại, lạm phát dù ở mức thấp nhưng có dấu hiệu tăng trở lại, hạn hán thiên tai ở trong nước cùng bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro,… khiến cho mục tiêu GDP tăng 6,7% năm 2016 đang là thách thức lớn đặt ra.

 

Đối mặt nhiều thách thức

 

Theo phân tích của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, sự giảm giá của hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm sâu và tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và Trung Quốc đã tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó ở trong nước, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm gây thiệt hại về cây trồng và gia súc tại các tỉnh miền núi phía bắc. Tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

 

Những ảnh hưởng nặng nề nêu trên đã khiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lần đầu tiên sau rất nhiều năm chỉ đạt mức tăng trưởng âm. Cụ thể, quý I năm 2016, giá trị tăng thêm của khu vực này chỉ đạt 98,77% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất so cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tuy ngành lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng tương ứng 6,24% và 2,12% nhưng cũng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành khỏi mức tăng trưởng âm bởi tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh (-2,69%).

 

Do vậy, trước những kết quả đạt được trong quý I năm 2016, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng đưa ra nhận định, các quý còn lại của năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những khó khăn và thách thức phải đối mặt, đó là: tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, giá dầu thô biến động khó lường và ở mức thấp. “Giá dầu thô gần đây có xu hướng tăng trở lại, song dự báo vẫn ở mức thấp sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm. Tuy nhiên, ngược lại, giá dầu giảm cũng giúp kinh tế trong nước phát triển, giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng nói riêng và GDP nói chung, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt thu từ dầu thô” - ông Lâm nói thêm.

 

Tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2016 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Do đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.

 

Để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 như đã đề ra, ngành nông nghiệp cần có những giải pháp quyết liệt để chống hạn hán và xâm nhập mặn; phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm hơn 2,5% (trong khi đến thời điểm này tăng trưởng âm). Giá dầu thô đang ở mức khoảng 40 USD/thùng, mức này được đánh giá là đã thoát đáy. Do vậy, kỳ vọng giá dầu tăng cũng sẽ là điều kiện tốt đối với ngành dầu khí bởi ngành này thường đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế cuối năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt đối với các chính sách về nhập khẩu nguyên vật liệu nhằm phát triển sản xuất, đặc biệt là với sản xuất của ngành chế biến, chế tạo. Khu vực dịch vụ cũng cần tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như trong quý I…

 

Hà Quang Tuyến
Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê)

 

Theo Hồng Anh/Báo nhân dân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang