Thứ Sáu, 19/04/2024 16:16:36 GMT+7

Tin đăng lúc 24-11-2020

Lượt xem: 900

Giáo dục Singapore

Mười mấy năm trước, rộ lên phong trào cho con đi học ở Singapore. Vì có con gái học lớp 8 nên tôi bắt đầu cùng con tìm hiểu về học bổng trung học ở Quốc đảo này.
Giáo dục Singapore
Giáo dục Singapore chú trọng đào tạo thực hành cho học sinh

Singapore có hai loại học bổng chính, toàn phần, dành cho học sinh trung học và đại học, cấp cho các quốc gia ASEAN – Trung Quốc - Ấn Độ. Đó là học bổng ASEAN (được Bộ Giáo dục Singapore cấp) và học bổng A-STAR (Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tài trợ). Giá trị hai học bổng này tương đương, nghĩa là bao gồm toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, vé máy bay và tiền tiêu vặt hàng tháng cho học sinh được chọn.

 

Các kì thi diễn ra rất căng thẳng. Đoàn bên họ sang Việt Nam, tổ chức bài bản. Đầu tiên là xét duyệt hồ sơ: Học bạ, thành tích thể thao, các giải thưởng học sinh giỏi như cấp quận, thành phố, Quốc gia, Quốc tế và viết một bài luận. Những ai qua vòng này sẽ bước vào vòng hai: Thi viết. Đó là kì thi gồm Toán – Tiếng Anh - IQ. Bài thi xong, họ đóng gói lại, mang về bên Singapore chấm. Nếu ai được, sẽ vào vòng thứ ba: Phỏng vấn.

 

Giáo dục Singapore tuyệt vời - theo quan sát và đánh giá của tôi, nhất là giáo dục trung học.

 

Trước khi các con bắt đầu năm học mới (vào tháng 1 hàng năm), những học sinh đạt học bổng được sang đó trước ba tháng để học thêm tiếng Anh. Ba tháng đó vô cùng quý giá với những học sinh quốc tế như con gái tôi, lần đầu xa nhà, bỡ ngỡ, non nớt.

 

Các con làm quen với cuộc sống tự lập. Sống giữa một tập thể, chia 2 hoặc 4 em một phòng, trộn lẫn các quốc gia với nhau. Buổi sáng, 6h là xe bus của trường chạy, chậm một phút cũng không được, xe sẽ không đợi. Mà 6h bên đó mới là 5h sáng ở Việt Nam, thế mà các con cũng phải quen dần, tự đặt báo thức.

 

Chương trình học rất căng. Các con luôn bị áp lực phải đạt thành tích tốt nhất có thể, để không bị “tước” học bổng. Ngoài học văn hoá, các con phải thực hành. Các cô, cậu học sinh cấp 3 phải mặc áo blu trắng, trang bị bảo hộ để mày mò cả buổi trong phòng thí nghiệm sinh - hoá - lý, tự tìm chuyên đề, dự án, lên kế hoạch, hợp tác với nhóm, xử lý tình huống phát sinh, viết thu hoạch tổng kết...

 

Các con được dạy nhiều về kĩ năng sống - những kĩ năng mà cha mẹ cũng không biết hết để mà dạy. Con từng kể, các con được học cách dự một buổi tiệc tối, nữ mặc váy dạ hội, nam mặc comple, học cách nâng ly, cách ăn món khai vị, món chính, món tráng miệng, cách dùng dao, nĩa, học cách ứng xử trên một bàn tiệc.

 

Các con được đưa vào rừng. Sau khi được chỉ dẫn các bước cơ bản để sinh tồn, thậm chí cả cách đi vệ sinh, mỗi học sinh được phát một chiếc đèn pin. Trời tối, thậm chí khuya, có người dẫn từng học sinh vào giữa rừng và... bỏ mặc học sinh đó lại một mình, với yêu cầu: Tự tìm đường về nơi lán trại.

 

- Con có sợ không?

 

- Rất sợ mẹ ạ.

 

- Tại sao không kêu lên, đòi cứu?

 

- Ai cứu hả mẹ? Kể cả có khóc toáng lên, cũng không có ai ở đó, phải tự tìm đường về.

 

Ôi con gái bé bỏng của tôi! Con sợ, nhưng bản năng sống thôi thúc. Con đã tự mày mò giữa rừng sâu với chiếc đèn pin nhỏ trong tay, chắc là ban đầu vừa đi vừa khóc. Để rồi, con vỡ oà hạnh phúc khi nhìn thấy ánh sáng, con chạy lại sà vào vòng tay cô giáo và các bạn con ở xung quanh reo hò, như vừa cùng nhau thoát khỏi “cửa tử”. Tôi thì nghĩ, vẫn có ai đó âm thầm theo sát các con thôi, nhưng họ không xuất hiện...

 

 

Du học sinh từ lớp 9

 

Các con được cho lên một chiếc thuyền, chừng vài bạn cả nam lẫn nữ, chèo ra biển. Ai cũng phải mặc áo phao. Ai cũng phải cầm mái chèo. Các con mang theo củi, gạo, nồi. Giữa sóng to gió lớn, tròng trành bởi những tay chèo toàn cậu ấm cô chiêu thành phố, các con phải tự nấu cơm ăn. Nước biển mặn hất cả vào nồi cơm nên cơm bị sượng, vẫn thi nhau ăn. Nghe con kể: Bọn con trai chúng nó ăn khỏe lắm mẹ ạ, dù gạo không chín. Tôi cười và thầm nghĩ: “Đói thì mầm đá cũng thành ngon thôi con ạ! Ít nhất, thì con cũng biết, cơm - không chỉ có cơm dẻo, mà còn có cơm sượng nữa....”.

 

Các con được đưa vào phòng họp Quốc hội. Cùng thầy giáo, các con ngồi im lặng, chăm chú lắng nghe các thành viên Quốc hội bàn luận về các việc mang tính vĩ mô. Con nhìn thấy Thủ tướng Lý Quang Diệu (lúc đó còn sống) và các nghị sĩ như những người ông, người cha hiền từ, cuối buổi họp ra tận chỗ các con ngồi và trò chuyện. Sự gần gũi đó, giúp con hình thành nên một thói quen quan tâm đến đời sống chính trị, dù ở bất cứ nơi đâu và cảm thấy chính khách không có gì xa lạ.

 

Tôi nhớ lại buổi họp mặt ở một khách sạn tại Hà Nội năm ấy. Sau khi cô trưởng đoàn hỏi ai có thắc mắc gì thì đứng lên, con gái tôi đã đứng dậy hỏi cô giáo: Tại sao Singapore cấp cho học sinh Việt Nam học bổng toàn phần (là nước duy nhất cấp loại học bổng này cho học sinh trung học), mà không có điều kiện gì (ngoài điều kiện các con phải học hết sức mình trong 4 năm và không được phép bỏ học bổng giữa chừng)?.

 

Cô giáo Singapore thẳng thắn trả lời: Chúng tôi chỉ cần trong số các học sinh được cấp học bổng, có vài ba em ở lại làm việc là chúng tôi đã mãn nguyện rồi”. Tôi vô cùng cảm phục tầm nhìn của họ, hiểu cả một chiến lược về trân trọng và thu hút chất xám cho một dân tộc. Ai đã từng học ở Singapore mà sẽ không yêu quý đất nước đó suốt cuộc đời sau này và chỉ cần trong số những học sinh quốc tế từng du học Singapore, một vài người sau này trở thành chính khách, doanh nhân, hay những tài năng lớn về bất cứ lĩnh vực nào thì Singapore đã có quyền tự hào đã góp phần tạo nên những tên tuổi đó...

 

Một trong những cuốn sách mình thích, đó là cuốn “SINGAPORE - BÍ QUYẾT HOÁ RỒNG” của Thủ tướng Lý Quang Diệu.

 

Một trong những bí quyết đó, là giáo dục!

 

Nguyễn Thị Như Trang

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang