Thứ Sáu, 19/04/2024 23:09:11 GMT+7

Tin đăng lúc 08-07-2020

Lượt xem: 1326

Gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn là chủ đề nóng

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp hàng hóa Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Song song với đó, câu chuyện “núp bóng” hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế, nguy cơ hàng hóa bị "đội lốt" xuất xứ ngày càng trở nên phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn là chủ đề nóng
Ảnh minh họa

Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%, đây là mục tiêu có cơ sở, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt với nhiều mặt hàng được miễn thuế. Nhưng mặt trái đi kèm là tình trạng các doanh nghiệp tìm cách lợi dụng xuất xứ hàng hóa, thậm chí giả mạo C/O của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp, trong khi nhiều đối tác trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, như: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ... gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng xuất khẩu của nước bị áp thuế.

 

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh bán hàng trên mạng tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, tập trung ở các nhóm hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu bia, mỹ phẩm, thuốc lá...

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cho biết: “Kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế từ ngày 1/1/2020 đến ngày 19/6/2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 33 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng, ước giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 218 tỷ đồng. Trong đó, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch Covis-19, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.088 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,72 tỷ đồng”.

 

Nhằm ngăn chặn hành vi  gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Hải quan Hà Nội đã xây dựng và triển khai các biện pháp tăng cường quản lý. Cụ thể, đơn vị yêu cầu các chi cục xây dựng kế hoạch đặc thù của chi cục mình trong công tác kiểm tra và phối hợp với Đội Kiểm soát, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ. Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội - Trần Quốc Định cho biết: Chống chuyển tải bất hợp pháp là một công tác trọng tâm của Cục Hải quan Hà Nội triển khai ngay từ đầu năm với những yêu cầu rất cụ thể. Trong đó giải pháp quan trọng là sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị tham mưu thuộc Cục và các chi cục để thông tin, nắm bắt những dấu hiệu đột biến, kịp thời là chỉ đạo các chi cục tổ chức kiểm tra những đối tượng này. Đặc biệt lưu ý đến những doanh nghiệp có đột biến trong xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Ngoài ra, theo Cục Hải quan Hà Nội, các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ, xuất xứ, nhãn hàng hóa… Hoàn thiện cơ chế phối hợp, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng làm giả xuất xứ Việt Nam, đảm bảo thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc tạo nên “hàng rào” pháp lý đủ mạnh làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường.

 

Bích Hân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang